Núi lửa Sinabung phun trào tạo ra các đám mây khói bụi khổng lồ - Nguồn: TWITTERS
Đây được xem là đợt phun trào mạnh mẽ nhất của núi lửa Sinabung kể từ tháng 8 năm nay. Lần gần đây nhất nó "thức giấc" là vào ngày 18-12 vừa qua.
Trung tâm Giảm nhẹ Rủi ro Địa lý và Núi lửa Indonesia cho biết đợt phun trào xảy ra vào 15h36 giờ địa phương và kéo dài khoảng 8 phút.
Núi lửa Sinabung phun ra các đám mây khí gas và tro bụi xa tới 4,6 km. Tro núi lửa rơi xuống nhiều ngôi làng quanh núi Sinabung, tuy nhiên, Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) cho biết không có thương vong trong vụ phun trào.
Người dân được khuyến cáo tránh xa khu vực nguy hiểm cũng như chú ý tránh các dòng nham thạch trong thời tiết mưa nhiều đang kéo dài vài ngày gần đây. Khoảng 3.331 gia đình đã được sơ tán trước đợt phun trào, theo người phát ngôn BNPB Sutopo Purwo Nugroho.
Núi lửa Sinabung hoạt động trở lại vào tháng 9-2013.
Năm 2015, giới chức Indonesia nâng lệnh cảnh báo của núi lửa Sinabung lên mức cao nhất, đưa các ngôi làng trong bán kính 7 km từ đỉnh núi vào khu vực báo động đỏ và buộc đi sơ tán.
Kể từ đó đến nay, lệnh cảnh báo vẫn được duy trì, đồng nghĩa tất cả các hoạt động trong phạm vi 3 km từ đỉnh núi Sinabung tiếp tục nằm trong diện cấm, theo báo Straits Times của Singapore.
Hồi đầu tháng này, núi lửa Agung ở Bali cũng "trở mình" khiến hàng nghìn người dân phải sơ tán, ngành du lịch của hòn đảo nổi tiếng này bị ảnh hưởng đáng kể. Các chuyến bay đến đảo Bali khi đó bị buộc phải chuyển hướng hoặc hủy bỏ gây thiệt hại cho các hãng hàng không.
Theo cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi nhiều mảng kiến tạo gặp nhau. Hiện vẫn còn khoảng 130 núi lửa đang trong tình trạng hoạt động tại Indonesia, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Theo Bảo Duy (Tuổi Trẻ)