Núi lửa ở Indonesia rủ nhau thức giấc

18/12/2017 23:36:07

Dường như chưa bao giờ các ngọn núi lửa lại cựa mình gần như cùng thời điểm với nhau như thế này. Chuyện đang xảy ra ở Indonesia.

Núi lửa ở Indonesia rủ nhau thức giấc
Lực lượng cứu hộ đưa các thi thể người thiệt mạng do núi lửa Merapi phun trào bất ngờ khỏi hiện trường ngày 18-12 - Ảnh: REUTERS

Gây thiệt hại nặng nhất đến giờ là vụ phun trào của núi lửa Merapi trên đảo Java trong ngày hôm nay (18-12). Theo báo giới, một đợt phun trào của Merapi khiến cát đá đổ xuống theo triền núi và chôn vùi 8 người đào mỏ và làm cho 3 người khác mất tích.

Ông Sutopo Purwo Nugroho - người phát ngôn của Cơ quan quản lý thảm họa thiên nhiên quốc gia Indonesia, giải thích rằng cột khói bụi phun cao đến 2.900 mét này đã "phun trào đột ngột nên đã chôn vùi những người đào mỏ bên dưới".

Núi lửa Merapi, gần TP Yogyakarta, là ngọn núi còn trong diện đang hoạt động nhưng xung quanh núi người dân vẫn tìm cách khai thác khoáng sản trái phép. Đặc biệt nguồn cát đá núi lửa trào ra từ bao đời được xem là nguồn nguyên liệu cực tốt để làm xi măng.

Cùng ngày núi lửa Sinabung ở Karo thuộc tỉnh Bắc Sumatra cũng đã phun trào, gây ra nhiều cột tro bụi kèm các đám mây khói mù.

Trạm giám sát núi lửa Sinabung cho biết vụ phun trào mới nhất xảy ra vào lúc 13h giờ địa phương, kèm theo đó là rung chấn kéo dài trong khoảng 5 phút. Các đám mây khí nóng bốc lên tới độ cao 2.500 m tại phía Đông-Đông Nam và 3.500m ở phía Nam. Đỉnh núi bị bao phủ trong màn khói mù dày đặc khiến việc quan sát trở nên khó khăn.

Núi lửa ở Indonesia rủ nhau thức giấc - 1
Hình ảnh phun trào trong ngày 18-12 của núi lửa Sinabung ở Karo thuộc tỉnh Bắc Sumatra - Ảnh: XINHUA

Cơ quan chức năng đã công bố báo động đỏ tại khu vực quanh núi lửa đồng thời cảnh báo sẽ có thêm nhiều vụ phun trào trong những ngày tới. Người dân được khuyến cáo tránh xa khu vực nguy hiểm cũng như chú ý tránh các dòng nham thạch trong thời tiết mưa nhiều đang kéo dài vài ngày gần đây.

Giới chức Indonesia đã ban hành lệnh cảnh báo cấp 4, cũng là cấp cao nhất, tại núi lửa Sinabung từ năm 2013, thời điểm núi lửa này hoạt động trở lại. Vụ phun trào mới đây nhất là vào ngày 29-11. Đã có hơn 2.000 người phải đi sơ tán sau khi núi lửa Sinabung hoạt động trở lại.

Trước đó, hôm 8-12, sau một tuần tạm lắng, núi lửa Agung trên đảo Bali đã trở lại với hoạt động phun tro bụi nhưng lực lượng chức năng chưa đưa ra cảnh báo nào trước các dấu hiệu này. Cột tro bụi phun trào lúc 8h sáng theo giờ địa phương cao tới 2.100 mét, bao phủ khu vực có bán kính 5 km.

Núi lửa ở Indonesia rủ nhau thức giấc - 2
Núi lửa Agung vẫn phun đầy khói trắng lên cao vào ngày 9-12 - Ảnh: REUTERS

Núi lửa Agung từng nhiều lần phun trào trong các năm 1963 và 1964, cướp đi sinh mạng của hơn 1.600 người và khiến hàng trăm người bị thương. 

Ngọn núi có độ cao hơn 3.000 m này đã có dấu hiệu phun trào trở lại vào tháng 9 khiến nhà chức trách phải đưa ra mức cảnh báo cao nhất và sơ tán 140.000 người dân sinh sống trong khu vực gần đó, song sau đó lệnh cảnh báo đã được dỡ bỏ và người dân đã trở về nhà. 

Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo vỏ Trái Đất tiếp xúc kéo theo nhiều hoạt động địa chấn tại đây. Tại quốc đảo này vẫn có gần 130 núi lửa đang hoạt động. Năm 2010, núi lửa Merapi thuộc đảo Java, được xem là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động nguy hiểm nhất thế giới, phun trào khiến hơn 300 người thiệt mạng và khiến 280.000 người sơ tán.

Theo Tường Nguyễn (Tuổi Trẻ)

Nổi bật