Nỗ lực giải cứu 80 nạn nhân mắc kẹt trong tòa nhà 30 tầng đổ sập vì động đất ở Thái Lan

30/03/2025 14:33:38

Aubonrat Setnawet, thợ sửa điện, làm việc với chồng tại tầng 13 tòa nhà đang xây dựng ở phía Bắc thành phố Bangkok (Thái Lan) khi động đất xảy ra.

Thời điểm động đất xảy ra, Aubonrat Setnawet cần tìm bộ dụng cụ nên đã đi tháng máy xuống tầng 1. Cô bất ngờ cảm thấy mặt đất rung chuyển, và sau hai tiếng động lớn, tòa nhà đang xây dựng bắt đầu sụp đổ.

Cầm điện thoại trong tay, Aubonrat Setnawet bỏ chạy khỏi tòa nhà, phía sau là tòa nhà đổ sập tạo ra mây bụi khổng lồ. Cô cố gọi cho chồng, Nuguy Setnawet, nhưng không thành.

Từ thời điểm đó, cô luôn túc trực tại hiện trường, lặng lẽ nhìn lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích. Tám thi thể được tìm thấy trong ngày 29/03, nhưng đội cứu hộ chỉ tìm được thêm hai thi thể hôm 30/03.

"Tôi vẫn đang chờ đợi một phép màu," Aubonrat nói. Khoảng 80 người được cho là mắc kẹt bên trong tòa nhà 30 tầng đang xây dựng thời điểm động đất xảy ra.

Lực lượng cứu hộ dùng thiết bị hạng nặng và chó nghiệp vụ, nhưng chỉ phát hiện hai thi thể hôm 30/30. Đống đổ nát quá khó tiếp cận khiến họ mất hàng giờ đồng hồ mới đưa được các thi thể ra ngoài.

Tâm chấn động đất hôm 28/03 được xác định cách Bangkok hơn 965km, gần Mandalay (Myanmar), nơi chịu thiệt hại hết sức nặng nề. Giới chức Myanmar đã ghi nhận hơn 1.600 trường hợp tử vong, và con số này được dự đoán sẽ còn tăng.

Nỗ lực giải cứu 80 nạn nhân mắc kẹt trong tòa nhà 30 tầng đổ sập vì động đất ở Thái Lan
Một người bị thương được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát (Ảnh: AFP/Getty)

Nỗ lực cứu hộ vẫn tiếp tục tại khu vực tòa nhà đổ sập. Thiết bị nặng được huy động để di chuyển các tấm kim loại khổng lồ ra khỏi đống đổ nát nhằm tìm kiếm người sống sót.

Hàng trăm nhân sự cứu hộ từ các lực lượng quân đội, cảnh sát và người tình nguyện hỗ trợ tìm kiếm. Đằng sau rào chắn, thân nhân và bạn bè của những người mất tích nóng lòng ngóng tin.

Ngoài chó nghiệp vụ, lực lượng cứu hộ cũng dùng thiết bị tầm nhiệt để tìm kiếm người sống sót. Đôi lúc họ dừng lại để nghe tiếng kêu của những người sống sót. Tuy vậy tới tối 29/03, họ không còn nghe được tiếng kêu cứu nào phía dưới đống đổ nát khổng lồ.

Piyalux Thinkaew, nhân sự thuộc tổ chức Quỹ Ruamkatanyu cho biết thiết bị nặng được điều động hôm 29/03 đã hỗ trợ đưa những tấm kim loại lớn và bê tông ra ngoài, trong khi lực lượng cứu hộ phải hết sức cẩn thận để không làm đống đổ nát sụp đổ thêm.

"Máy móc có thể hỗ trợ chúng tôi mở đường để xem xét và kiểm tra dấu hiệu sự sống. Công việc rất khó khăn và vô cùng nguy hiểm đối với lực lượng cứu hộ," anh giải thích.

Giáo sư Suchatvee Suwansawat thuộc Đại học King Mongkut, cựu chủ tịch Hội đồng Kỹ sư Thái Lan cho rằng giới chuyên gia nên đánh giá công trình đang xây dở này sụp đổ do lỗi thiết kế hay lỗi xây dựng. Nguy cơ đổ sập của một công trình đang xây dở lẽ ra phải tương đương với công trình đã hoàn thiện, theo vị giáo sư.

Ông Suchatvee Suwansawat cho biết Thái Lan chưa từng chứng kiến vụ sập nhà nào quy mô lớn như thế này. Trước đó nước này xảy ra hai vụ sập nhà sáu tầng vào năm 2014 và 1993.

"Chúng tôi chưa từng trải qua sự việc như thế này. Chúng tôi chưa thể nói được gì nhiều, bởi vẫn cần phải kiểm tra tính toán, thu thập dữ liệu và bằng chứng. Mọi thứ sụp đổ trong tích tắc. Từ video chúng tôi có thể thấy cột nhà vỡ vụn," ông nói.

Trong số những người chờ đợi ở khu vực cứu hộ có Saifon Thongsuk. Cô chú và hai con lớn của chị làm việc bên trong tòa nhà. Trước đó họ làm việc ở một công trình khác tại Bangkok, nhưng gần đây được chuyển tới tòa nhà do thiếu nhân sự, Saifon cho biết.

"Tôi không rõ họ làm việc tại đây lâu chưa. Tôi chỉ biết họ làm trên tầng cao nhất," cô nói.

Naruemol Thonglek, 44 tuổi, tới hiện trường nghe ngóng thông tin về sáu người, trong đó có chồng, con trai cô và bốn đồng nghiệp. Cô từng việc tại tòa nhà, nhưng gần đây chồng yêu cầu cô nghỉ việc do thấy cô quá vất vả.

"Tôi tới đây ngay khi nghe tin động đất. Tôi đã cố tìm thông tin về chồng con. Tin nhắn không được gửi đi, điện thoại cũng không gọi được. Tôi không thể liên hệ với ai cả," cô nói.

"Tôi đoán anh ấy vẫn mắc kẹt trong đống đổ nát. Có lẽ sẽ có không khí để thở, tôi không biết. Tôi chỉ có thể hy vọng một điều kỳ diệu," Naruemol cho biết.

Thurian Pheungrod, 47 tuổi, tới hiện trường hôm 28/03, sau khi biết tin anh trai và chị dâu mất tích. Họ đã làm việc tại công trường trong nhiều tháng.

"Ban đầu tôi tin sẽ có phép màu. Bây giờ tôi vẫn còn hy vọng, nhưng không còn tin vào phép màu nữa," anh nói.

Hoài An (SHTT)