Thỏa thuận này kết thúc nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa các thành viên G7 sau khi Washington muốn hợp thức hoá toàn bộ tài sản của Nga.
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU đồng ý với ý tưởng này vì giúp giảm nguy cơ Ukraine thiếu tiền nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng hoặc Quốc hội Mỹ giữ lại nguồn viện trợ như đã từng xảy ra trong nhiều tháng trước.
50 tỷ USD sẽ đến từ đâu?
50 tỷ USD đến từ các thành viên G7 là Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Canada, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Các khoản vay của Ukraine được đảm bảo bằng tiền lãi trong tương lai từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Các nước phương Tây đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga, nhưng họ chỉ có thể tiếp cận nguồn thu nhập do các tài sản này tạo ra, khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm.
Bằng cách thành lập một quỹ cho phép các khoản vay được hoàn trả bằng nguồn thu nhập này, các quốc gia phương Tây có thể hỗ trợ ngay lập tức cho Ukraine nhiều hơn số tiền nêu trên.
Khi nào Ukraine sẽ nhận được khoản vay này và để làm gì?
Hai nguồn tin cho biết tiền mặt sẽ đến Ukraine vào cuối năm nay, tùy thuộc vào khả năng giải ngân tiền của Ukraine.
Một quan chức châu Âu cho biết sẽ có nhiều kênh giải ngân cho Ukraine, như chi tiêu cho quốc phòng, bổ sung ngân sách nhà nước, tái thiết và hỗ trợ nhân đạo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, kế hoạch của phương Tây về việc tịch thu tài sản của Nga là "hành vi trộm cắp". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố kế hoạch này của G7 sẽ gây tổn hại rất lớn cho Liên minh châu Âu.
Theo Hà Thu (Tiền Phong)