Ukraine phòng ngự tương đối hiệu quả, sẵn sàng phản kích
Ukraine bắt đầu ổn định được tình hình ở phía Bắc sau khi Nga phát động chiến dịch tiến công cách đây một tháng. Thành quả này của Ukraine là nhờ vào việc có thêm viện trợ quân sự từ phương Tây cũng như họ được phép tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, từ đó làm giảm áp lực từ quân Nga.
Tuy nhiên, lực lượng Ukraine lại đang bị căng mỏng dọc theo chiến tuyến 1.000km giữa hai nước, đồng thời quân Ukraine vẫn chưa có biện pháp chống đỡ hữu hiệu trước những quả bom lượn chết người của Nga.
Một sĩ quan cấp cao của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) hiện chiến đấu ở tỉnh Kharkov thông báo cho CNN rằng năng lực của Ukraine tấn công xuyên biên giới sang các mục tiêu Nga đã có tác động tích cực đối với Ukraine.
Viên sĩ quan này nói: "Giờ thì chúng tôi có thể thực hiện các hoạt động phản kích và tái chiếm các lãnh thổ bị đối phương chiếm cách đây một tuần".
Đồng minh phương Tây của Ukraine ban đầu ngần ngại không cho phép nước này sử dụng vũ khí do họ viện trợ để tấn công vào bên trong nước Nga . Nhưng nay, quan điểm đó đã thay đổi. Đầu tiên Pháp và Đức đồng ý để Ukraine sử dụng vũ khí của họ để đánh vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Đến nay Mỹ cũng đồng ý tiếp, với điều kiện Ukraine chỉ tấn công các mục tiêu gần tỉnh Kharkov.
Yehor Cherniev - Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia, quốc phòng và tình báo của Quốc hội Ukraine, cho biết, hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ là vũ khí lợi hại giúp Ukraine đánh trúng các vị trí quân sự của Nga bên trong lãnh thổ nước này.
Trước nguy cơ bị HIMARS tấn công, phía Nga đã giảm cường độ sử dụng tên lửa S-300 và S-400 để tấn công tỉnh Kharkov nhưng họ vẫn duy trì sử dụng bom lượn - thứ bom được thả từ rất cao và xa, ngoài tầm với của phòng không Ukraine.
Quan chức Cherniev cho biết, hiện nay Ukraine vẫn chưa được phép tấn công máy bay Nga ngay tại sân bay bằng vũ khí Mỹ , đồng thời cũng không được sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để đánh vào lãnh thổ Nga, nên Ukraine chưa giải quyết được vấn đề bom lượn của Nga ném sang lãnh thổ Ukraine.
Mặc dù vậy, đà tiến của quân Nga đã chậm lại, theo đánh giá của cả Mỹ và Ukraine. Quân Nga đang tập trung đột phá qua ngôi làng Hlyboke nằm về phía Bắc Kharkov. Về phía Đông Bắc Kharkov, quân Nga vẫn duy trì được một chỗ đứng tại thị trấn Volchansk. Tại đây, giao tranh diễn ra dưới dạng cận chiến trên từng con phố. Phát ngôn viên quân đội Ukraine ở miền Đông, Nazar Voloshyn, cho biết lực lượng vũ trang Ukraine vẫn kiểm soát hầu hết thị trấn này.
Yurii Fedorenko - một đại đội trưởng thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập 92 của Ukraine hiện đang tham chiến ở tỉnh Kharkov, nói: "Đối phương mở chiến dịch Kharkov để phân tán lực lượng và phương tiện lực lượng phòng ngự của chúng tôi. Họ thành công một phần, nhưng chúng tôi đã ổn định được tình hình".
Để chống lại quân Nga ở Kharkov, Ukraine đã điều quân và vũ khí từ các khu vực khác thuộc tiền tuyến Donetsk và Lugansk tới đây. Mục tiêu chính của Nga là giành quyền kiểm soát hoàn toàn đối với hai tỉnh miền Đông này.
Tại miền Đông, Nga nhắm tới thị trấn Chasov Yar thuộc tỉnh Donetsk. Quân Nga đã đạt một số bước tiến. Xa hơn về phía Nam (dọc theo chiến tuyến phía Đông), quân Nga đã tiến thêm về phía Tây thị trấn Avdiivka (rơi vào tay quân Nga vào tháng 2/2024).
Phát ngôn viên Voloshyn cho biết, quân đội Nga đang nỗ lực hết sức trên tiền tuyến trước khi Ukraine nhận được toàn bộ viện trợ quân sự của phương Tây cũng như trước khi phương Tây cởi mở hơn nữa trong việc cho phép Ukraine đánh sâu vào lãnh thổ Nga.
Moscow khó đột phá trong thời gian tới?
Cánh cửa để Nga tạo đột phá đang thu hẹp dần khi Ukraine nhận thêm nhiều viện trợ từ phương Tây.
Nga dường như vẫn chưa đạt được mục tiêu tạo vùng đệm ở Đông Bắc Ukraine. Phía Ukraine cho biết, Nga hứng chịu thương vong lớn trong các trận đánh quanh thị trấn Volchansk.
Kể từ sau khi giành được thị trấn chiến lược Avdiivka vào tháng 2, lực lượng Nga mới chỉ tiến thêm không đáng kể. Họ đã dồn sức đánh chiếm thị trấn Chasov Yar ở tỉnh Donetsk trong nhiều tuần lễ nhưng chưa dứt điểm được mục tiêu này.
Ruslan Pukhov - người đứng đầu Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (trụ sở ở Moscow) cho biết, chiến lược của Nga nhằm làm kiệt quệ lực lượng Ukraine cũng đồng thời khiến Nga hứng chịu nhiều tổn thất, từ đó lại tạo cơ hội cho Ukraine phản kích.
Việc Mỹ và phương Tây nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine đã gây thêm khó khăn lớn cho Nga. Ngoài ra, Nhóm G7 sẽ họp sớm để cân nhắc các khoản vay cho Ukraine dựa trên lợi nhuận từ khối tài sản Nga ở nước ngoài bị phương Tây đóng băng.
Ben Barry, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (trụ sở ở London) nhận định: "Triển vọng Nga giành thắng lợi trong năm 2024 này đã giảm đáng kể vì những yếu tố đó. Nga có thể có số lượng binh sĩ lớn nhất nhưng nhiều xe thiết giáp hàng đầu của họ đã bị phá hủy". Ông cho rằng Nga sẽ cần thêm một số năm nữa để xây dựng lại quân đội đạt mức như năm 2022.
Việc Tổng thống Nga Putin vào tháng 5 bổ nhiệm một nhà kinh tế làm bộ trưởng quốc phòng cho thấy Nga đang rất cần huy động thêm nguồn lực từ nền kinh tế cho cuộc xung đột vũ trang với Ukraine.
Trong cuộc gặp gỡ truyền thông nước ngoài vào ngày 5/6, Tổng thống Putin nói rằng tổn thất nhân lực của Ukraine cao gấp 5 lần của Nga, và thương vong của quân đội Ukraine mỗi tháng là 50.000 người. Từ đó có thể suy ra rằng ông Putin thừa nhận mỗi tháng quân đội Nga mất 10.000 lính trong cuộc xung đột quân sự với Ukraine. Tổn thất này rõ ràng không hề nhỏ.
Theo Trung Hiếu (Vov.vn)