Bài phát biểu của ông Zelensky ngày 11/6 trước Bundestag (Quốc hội Đức) là nỗ lực nhằm thuyết phục các nghị sĩ tiếp tục ủng hộ Kiev. Tuy nhiên, một số nghị sĩ không muốn nghe ông nói.
“Nước Đức sát cánh với chúng tôi trong những khổ đau”, ông Zelensky nói.
Trong khi đó, hầu hết ghế thuộc về hai đảng AfD và BSW đều trống, cho thấy nhà lãnh đạo Ukraine phải đối mặt với thực thế khó khăn là một bộ phận cử tri Đức có thái độ trái chiều, quay lưng với thông điệp của ông.
“Chúng tôi từ chối nghe diễn giả mặc đồ ngụy trang”, hai lãnh đạo AfD Alice Weidel và Tino Chrupalla tuyên bố, nhắc đến trang phục thời chiến đặc trưng của ông Zelensky.
“Bây giờ ông ấy chỉ tại vị với tư cách tổng thống thời chiến và cầu xin. Nhưng Ukraine hiện nay không cần tổng thống thời chiến, họ cần vị tổng thống hòa bình, người sẵn sàng đàm phán để không ai phải chết nữa và đất nước có tương lai”, tuyên bố nêu rõ.
Chỉ có bốn trong số 77 nghị sĩ của AfD tham dự cuộc họp, trong khi tất cả 10 nghị sĩ của BSW, một đảng mới do cựu biểu tượng cánh tả Sahra Wagenknecht thành lập, tẩy chay sự kiện.
Cả hai đảng ủng hộ chính sách thân Nga hơn và phản đối hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Tuyên bố của BSW nêu rõ: “Tổng thống Zelensky đang góp phần vào vòng xoáy leo thang cực kỳ nguy hiểm và chấp nhận nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân với những hậu quả tàn khốc cho toàn bộ châu Âu. Vì vậy, ông ấy không nên được vinh danh trong sự kiện đặc biệt ở Bundestag”.
Ngược lại, nghị sĩ từ những đảng khác hoan nghênh bài phát biểu của ông Zelensky.
Theo một cuộc thăm dò gần đây, hầu hết người Đức ủng hộ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, trong khi 32% phản đối.
Cả hai đảng AfD và BSW nhận kết quả tương đối tốt trong cuộc bầu cử Liên minh châu Âu vừa qua. AfD nhận được 15,9% phiếu trong cuộc bầu cử quốc gia tại Đức, còn BSW được 6,2%. Tại các bang trước đây thuộc Đông Đức, AfD dẫn đầu với 30%, còn BSW đứng thứ 3 với 14%.
“Với BSW, Tổng thống Nga Vladimir Putin giờ đã có đảng thứ hai ở Đức ủng hộ ông mà không phê phán”, Marie-Agnes Strack-Zimmermann, ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ Tự do, viết trong bài đăng trên mạng xã hội X.
Nguồn: Politico
Theo Tú Linh (Tiền Phong)