Nam Gung Jin rất lo lắng trước kỳ nghĩa vụ quân sự tại Hàn Quốc. Đây là nhiệm vụ bắt buộc, yêu cầu nam giới Hàn Quốc nhập ngũ trong hai năm nhằm bảo vệ nước này trước "người hàng xóm hạt nhân" ở phương Bắc.
Tuy nhiên, trước thời điểm nhập ngũ của sinh viên đại học 19 tuổi chuẩn bị vào ngày 5/3 sắp tới, chỉ 5 ngày sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng hai phía có thể sẽ chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, theo AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Untại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội vào ngày 27-28/2, với khả năng ký hiệp ước hòa bình và cam kết thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa.
Nếu điều này thực sự xảy ra, nghĩa vụ quân sự bắt buộc sẽ trở thành chủ đề tranh luận trong thời gian tới.
"Triều Tiên không phải là kẻ thù"
Đối với nhiều người trẻ Hàn Quốc như anh Nam Gung, sẽ còn rất lâu kỳ nghĩa vụ quân sự mới được xóa bỏ. "Nếu được lựa chọn, tôi chắc chắn sẽ không muốn nhập ngũ", anh Nam Gung nói và miêu tả nghĩa vụ quân sự là "phí phạm tuổi trẻ của mình", ảnh hưởng tới việc xây dựng sự nghiệp tại xã hội đầy cạnh tranh như Hàn Quốc hiện nay.
Nam Gung sinh năm 1999, gần 50 năm sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng việc đình chiến. Anh Nam Gung cho rằng nghĩa vụ quân sự không liên quan tới mối đe dọa từ người láng giềng phía bắc.
"Tôi chưa bao giờ coi Triều Tiên là kẻ thù. Tôi không có ác cảm đối với đất nước này. Tôi chỉ nghĩ cuộc sống của người dân ở đó hẳn rất khó khăn", anh Nam Gung nói.
Trong số 600.000 binh sĩ Hàn Quốc hiện nay, hầu hết đều nhập ngũ theo dạng bắt buộc trong khoảng 20 tháng với nhiệm vụ canh gác dọc biên giới Triều Tiên.
Giống như Nam Gung, Han Sang Kyu, 18 tuổi, có lịch nhập ngũ vào năm sau. Anh cũng không hề có thái độ thù địch với Bình Nhưỡng. "Tôi luôn coi Triều Tiên và Hàn Quốc là một dân tộc. Tôi hy vọng hai nước có thể thống nhất một ngày nào đó trong tương lai", anh nói.
Thế hệ cuối cùng phải nhập ngũ?
Lim Tae Hoon, quan chức cấp cao trong quân đội Hàn Quốc, cho biết Chiến tranh Triều Tiên và di sản của cuộc chiến vẫn ảnh hưởng đậm nét trong văn hóa quân sự ở miền Nam.
"Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào một ngày chủ nhật, và rất nhiều binh lính Hàn Quốc rời khỏi căn cứ khi xe tăng vượt qua vĩ tuyến 38. Kết quả thật đau thương", ông Lim nói với AFP và cho biết thêm "điều này phần nào giải thích lý do binh lính Hàn Quốc hiện nay luôn phải ở trong căn cứ mọi lúc".
Cho đến nay, binh lính Hàn đều bị cấm sử dụng điện thoại di động vì lý do bảo mật.
Quân đội Hàn Quốc cũng không cho phép 25% binh lính về phép cùng thời điểm, nghĩa là binh sĩ dành rất nhiều thời gian với nhau, phần nào hình thành nên vấn nạn bắt nạt. Từ năm 1953, khoảng 60,000 binh sĩ nước này đã tử vong vì lý do được cho bao gồm tự tử, tai nạn súng đạn và sơ suất y tế. Không ai trong số họ chết trên chiến trường.
Song Jun Seo, sinh viên đại học 18 tuổi dự kiến nhập ngũ trong năm nay hoặc năm sau, mong muốn được "bồi thường" nếu nghĩa vụ quân sự được xóa bỏ sau khi anh xuất ngũ. "Tôi sẽ rất tức giận. Tôi không muốn trở thành thế hệ cuối cùng phải chịu đựng kỳ nghĩa vụ quân sự bắt buộc này", anh Song nói.
Tuy nhiên, Kim Dong Yup, chuyên gia phân tích tại Đại học Kyungnam, cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về việc bãi bỏ nghĩa vụ quân sự bắ buộc, và có lẽ Hàn Quốc sẽ mất nhiều thời gian mới có thể chuyển sang hệ thống quân sự tình nguyện, ngay cả khi có được bước tiến trong quan hệ hợp tác với Triều Tiên.
"Triều Tiên không phải là mối đe dọa an ninh duy nhất đối với bán đảo Triều Tiên", ông Kim Dong Yup nói và cho rằng các quốc gia láng giềng khác cùng thảm họa môi trường là những vấn đề tiềm ẩn.
Sợ hãi và lo lắng
Nhiều nam thanh niên Hàn Quốc đã phải sử dụng đến các biện pháp cực đoan để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, bao gồm trường hợp 12 sinh viên âm nhạc nhét bột protein vào người với hy vọng không phải nhập ngũ vì quá cân.
Nhiều trường hợp khác còn thực hiện phẫu thuật không cần thiết và tự làm mình bị gãy xương.
Anh Song cho biết cảm thấy thất vọng vì kết quả khám sức khỏe vào đầu tháng này vì anh được xếp vào hạng cao nhất. Điều này có nghĩa anh chắc chắn phải nhập ngũ.
"Tôi có bệnh về da mãn tính, vì vậy tôi hy vọng sẽ được phân công nhiệm vụ nhẹ nhàng hơn như phục vụ ở chính quyền địa phương", anh Song nói với AFP và cho biết thêm rằng rất sợ nhập ngũ vì các tai nạn có thể xảy đến trong quân đội.
Anh rất kinh hãi khi đọc được tin tức về một binh lính bị thương nặng vào năm 2016 do đạp phải mìn, tàn dư còn sót lại của Chiến tranh Triều Tiên. "Nếu tôi được phục vụ ở chính quyền địa phương, ít nhất tôi cũng không phải lo lắng về việc có thể bị mất chân", anh Song nói.
Theo Hương Ly (Tri Thức Trực Tuyến)