Cận cảnh niềm vui sướng tột độ của Son Heung-min khi không phải đi lính
Hàn Quốc sẽ xem xét lại chính sách miễn nghĩa vụ quân sự cho các vận động viên giữa lúc nhiều người kêu gọi thực hiện quy định nghiêm ngặt hơn sau khi đội bóng đá và bóng chày nước này được hưởng đặc ân vì giành huy chương vàng tại Asiad.
Nghĩa vụ quân sự là vấn đề rất nhạy cảm ở Hàn Quốc, nơi mọi nam thanh niên khỏe mạnh đều phải gia nhập quân đội trong 21 tháng, như một phần của nỗ lực đối phó với Triều Tiên.
Tuy nhiên, các vận động viên giành chức vô địch tại Asiad hay huy chương bất kể màu nào tại Olympics sẽ được miễn nghĩa vụ bắt buộc. Cầu thủ bóng đá Son Heung-min cùng đồng đội đã có được quyền này sau khi giành huy chương vàng tại đại hội thể thao châu Á ở Indonesia cuối tuần qua.
Chín vận động viên bóng chày khác cũng được miễn nghĩa vụ quân sự sau khi giành danh hiệu tại ASIAD 2018, song họ có thể là những vận động viên cuối cùng được hưởng quyền lợi này.
Hôm 3/9, ông Ki Chan Soo, ủy viên Cơ quan Binh vụ, tổ chức trực thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phụ trách việc tuyển quân, cho hay quy định trên có thể được sửa đổi.
"Chúng tôi đang có kế hoạch xem xét lại toàn diện hệ thống trong lĩnh vực thể thao và nghệ thuật", ông Ki nói trên Yonhap.
"Chúng ta đang thiếu nhân lực trong quân đội, nên chúng tôi sẽ bắt đầu đánh giá xem liệu chính sách miễn nghĩa vụ có công bằng hay không".
Một quan chức khác của cơ quan trên nói với Reuters rằng ông Ki phát biểu "theo nguyên tắc" sau các câu hỏi mà truyền thông và quốc hội đặt ra gần đây, và chưa có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào cho việc tái kiểm tra.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho hay họ hiện không xem xét bất cứ thay đổi nào trong hệ thống nhưng sẽ tiến hành tham vấn nội bộ về vấn đề.
Chính sách miễn nghĩa vụ ra đời vào thập niên 1970 nhằm đưa Hàn Quốc trở thành cường quốc thể thao, nâng cao hình ảnh quốc tế, nhưng đã vấp phải chỉ trích trong những năm gần đây khi đất nước tái sắp xếp các ưu tiên.
Một số người đã kêu gọi xóa bỏ chính sách, đặt câu hỏi về sự công bằng của nó trong thời đại mà công chúng Hàn Quốc kêu gọi chấm dứt đặc ân đặc quyền cũng như sự thiên vị trong mọi mặt đời sống.
Dù vậy, những người khác vẫn tin rằng chính sách này góp phần tạo ra những vận động viên ưu tú và củng cố hình ảnh đất nước.
"Tôi không nghĩ điều này là bất công... Cậu ấy là một trong những ngôi sao Hàn Quốc nổi tiếng nhất thế giới", Jang Ji Hoon, người đang phục vụ trong quân ngũ, nói về cầu thủ Son Heung-min.
"Tôi chỉ hy vọng cậu ấy không phải đi nghĩa vụ và thay vào đó có thể phát triển tài năng của bản thân trong thời gian này".
Theo một khảo sát hồi tháng 7 của hãng Realmeter, gần 48% người được hỏi ủng hộ việc duy trì chính sách miễn nghĩa vụ, trong khi 44% phản đối.
Ha Tae Keung, một nghị sĩ thuộc phe đối lập, nói chính sách nên được mở rộng dành cho người trong lĩnh vực khác như các nhóm nhạc nam K-Pop.
Một nghệ sĩ giành được hạng nhất hay nhì trong một cuộc thi quốc tế có thể được miễn nghĩa vụ nhưng chỉ giới hạn ở lĩnh vực nhạc cổ điển và múa.
Ông Ha chỉ ra nhóm nhạc nam BTS đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200 lần thứ hai trong năm nay, một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử K-Pop.
"Chính sách nên được mở rộng ra các lĩnh vực khác nhưng nên đặt ra ngưỡng cao hơn, ví dụ như xếp số 1 thế giới, chứ không phải là châu Á nữa", ông nói.
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)