Bộ Quốc phòng Nga xác nhận trong một thông báo, vụ phóng hệ thống Nudol được thực hiện tại bãi thử Plesetsk hôm 26/3. Tên lửa đã bay đúng quỹ đạo và diệt thành công mục tiêu giả định với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Cùng với tuyên bố của Nga về Nudol, nguồn tin quân sự Mỹ cũng cho biết, vụ phóng Nudol hôm 26/3 là lần thứ 6 Nga thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ này. Tuy nhiên, khác với 5 lần trước đó phóng từ hầm cố định, lần phóng thứ 6 được thực hiện từ bệ phóng di động.
Theo số liệu thống kê của tình báo Mỹ, phòng thủ Nga đã lần lượt thử hệ thống phòng thủ tầm cao này vào các ngày 22/4/2014, ngày 12/8/2014, ngày 18/11/2015, ngày 25/5/2016 và ngày 16/12/2016. Tất cả những vụ phóng này đều được thực hiện tại bãi thử Plesetsk.
Căn cứ vào thông tin được Nga giới thiệu cho biết, hệ thống A-235 Nudol sẽ trở thành lá chắn bảo đảm an toàn cho Moscow và các trung tâm công nghiệp của Nga và đây là câu trả lời của Nga đối với hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở các nước NATO.
Không chỉ được Nga đánh giá cao mà các chuyên gia quân sự Mỹ cũng thừa nhận loại tên lửa mới này của Nga hoàn toàn vượt trội hơn hẳn các phiên bản tương tự của Mỹ. Chuyên gia này nhấn mạnh rằng, so với hệ thống tên lửa A-135 (hiện Nga đang trang bị) phiên bản này vượt trội hơn hẳn.
Đặc biệt, các thành phần của tổ hợp của phiên bản này được đặt trên khung gầm xe chuyên dụng cho phép tăng khả năng cơ động, vì vậy có thể triển khai dễ dàng trên lãnh thổ Nga. Tầm xa của A-235 cũng tăng đáng kể khoảng 1500 km và có thể bay cao đến 800 km. Còn phần chiến đấu không khác gì cho với phiên bản cũ.
Hiện tại, các thông tin liên quan tới tổ hợp Nudol (tên mật danh của tổ hợp A-235) vẫn còn khá bí mật. Tuy nhiên, các chuyên gia phỏng đoán tổ hợp A-235 Nudol với việc được trang bị hệ thống siêu máy tính Elbrus-3M mạnh mẽ để xử lý thông tin.
Khả năng đánh chặn của A-235 sẽ được chia làm 3 cấp độ: Đạn tên lửa 51T6 sẽ đảm nhiệm việc đánh chặn ở khoảng cách 1.500km và tầm cao 800 km; tên lửa 58R6 – 1.000km và 120km; đạn tên lửa 53T6M hoặc 45T6 đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 350km và độ cao 40-50km.
Tất cả chúng đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để nâng cao khả năng tiêu diệt ICBM của đối phương.
Sự xuất hiện của hệ thống này cho phép tăng cường năng lực phòng không của Nga, hiện nay Moscow rất tích cực vận động về khả năng hình thành hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa hợp nhất của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Hệ thống này cho phép các hệ thống phòng không đơn lẻ của mỗi nước trong khu vực có thể liên kết và trao đổi thông tin với nhau để nâng cao hiệu quả tác chiến.
Khi đưa hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa chung của Nga và các quốc gia SNG đi vào hoạt động, ranh giới giữa hệ thống phòng thủ tên lửa cấp chiến lược và chiến thuật của các nước sẽ được hợp nhất.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc từ hệ thống phòng thủ tên lửa cố định, phòng thủ điểm của Nga sẽ biến thành hệ thống hợp nhất các tổ hợp tên lửa phòng không chiến thuật, chiến dịch ở phạm vi khu vực.
Ngoài ra hiện nay Nga cũng đang phát triển S-500 có khả năng khai hỏa cùng lúc vào 10 mục tiêu trên không, trong đó có cả mục tiêu là tên lửa hành trình siêu thanh có tốc độ bay đạt 7 km/giây.
Bộ Quốc phòng Nga dự kiến sẽ biên chế 10 tiểu đoàn S-500. Mỗi hệ thống S-500 được cấu thành từ các đơn nguyên riêng rẽ: radar cảnh giới tầm xa, ra đa dẫn bắn, xe điều khiển trung tâm, các xe chở, nạp đạn…
Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)