Theo nhận định của trang Gazeta, việc Ai Cập đàm phán mua tên lửa phòng không của Nga không tạo nên bất ngờ, tuy nhiên điều khiến nhiều chuyên gia quốc phòng bất ngờ là tại sao Ai Cập không chọn S-300P hoặc hiện đại hơn nữa là S-400 mà là S-300VM.
Tuy nhiên, khi phân tích những khả năng của phiên bản S-300VM, Ai Cập cho thấy mình có lý cho lựa chọn của mình. Theo giới thiệu từ phía Nga, S-300VM là hệ thống phòng không cơ động uy lực nhất hiện nay, nó được coi là tổ hợp duy nhất có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật với tầm bắn lên tới 2.500 km.
Tổ hợp bao gồm xe chỉ huy 9S457, xe radar cảnh giới 9S15MT Bill Board, xe radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo 9S19 High Screen, xe radar điều khiển hỏa lực 9S32M Grill Pan, xe chiếu xạ kiêm phóng tên lửa 9A82 và 9A83, xe nạp đạn kiêm phóng chấp hành 9A84 và 9A85.
Tất cả các thành phần đều được đặt trên khung gầm xe bánh xích, có trọng lượng 45 - 47 tấn, khá nặng nhưng vẫn đảm bảo khả năng cơ động không thua kém một chiếc xe tăng hạng trung.
Đáng chú ý nhất là tổ hợp S-300VM được trang bị loại tên lửa cực mạnh 9M82M Giant, chuyên dùng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa không đối đất siêu âm, đôi khi là các máy bay gây nhiễu ở tầm xa.
Đầu dò bán chủ động dải sóng X của tên lửa có thể khóa mục tiêu có diện tích phản xạ hiệu dụng 0,05 m2 ở khoảng cách 30 km (đó là sau khi tên lửa đã được các hệ thống radar dẫn đến sát mục tiêu). Đầu nổ thông minh nặng 150 kg có khả năng kiểm soát hướng mảnh văng để tạo hiệu quả tốt nhất, dĩ nhiên tên lửa cũng có cơ chế tự hủy.
Theo giới thiệu mới nhất của nhà sản xuất, tầm bắn của 9M82M lên tới 250 km với tốc độ không ít hơn 4,5 km/s, tiêu diệt được các mục tiêu bay có độ cơ động lên tới 30G.
Nếu xét về tầm bắn hiệu quả đối với các mục tiêu hàng không, tên lửa 9M82M thua kém một chút so với tên lửa 40N6 của hệ thống S-400 nhưng ngang ngửa với 48N6E3 của hệ thống S-400, tốt hơn 48N6E2 của S-300PMU2 và các thế hệ tên lửa 48N6 của các tổ hợp S-300.
Về khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo, 9M82M cũng ngang với 48N6E3 và vượt trội hoàn toàn 48N6E2.
Ngoài tầm bắn thì còn một yếu tố rất quan trọng đó là tên lửa 2 tầng 9M82M có tốc độ bay nhanh hơn tên lửa 48N6E1/2/3. Lợi thế của việc này là tên lửa 9M82M sẽ bay đến mục tiêu nhanh hơn, đồng thời động năng tiếp cận mục tiêu cao hơn so với dòng tên lửa 1 tầng 48N6.
Tốc độ trung bình của tên lửa 9M82 cũng đã bằng 85 - 90% tốc độ tối đa của tên lửa 48N6E2/E3. Thời gian bay đến mục tiêu ngắn, động năng tiếp cận cao cũng giúp tên lửa 9M82M thêm nguy hiểm khi đối phương sẽ có rất ít thời gian để thực hiện các biện pháp phòng tránh.
Từ những ưu điểm của hệ thống được trang bị, không khó để có thể nhận ra nguyên nhân khiến Ai Cập chọn mua S-300VM mà không phải S-300P hay S-400 của Nga.
Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)