Đại diện thường trực Nga tại Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), ông Alexander Shulgin ngày 1/4 cho biết, Nga sẽ thông báo "một sáng kiến hay" nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra giữa Nga với Mỹ, Anh và EU tại phiên họp bất thường của Hội đồng điều hành Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) về vụ cựu điệp viên hai mang Skripal bị đầu độc, dự kiến diễn ra ngày 4/4 tới.
Sáng kiến bất ngờ
Trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Rossiiskaya Gazeta, ông Alexander Shulgin khẳng định: “Chúng tôi có kế hoạch đề xuất một sáng kiến tại phiên họp bất thường của OPCW. Hiện giờ tôi chưa thể tiết lộ về điều đó, nhưng tôi đảm bảo đây sẽ là một sáng kiến hay và chắc chắn sẽ không gặp bất cứ lời chỉ trích nào. Sáng kiến này sẽ phù hợp với Công ước Cấm phổ biến vũ khí hóa học và mở ra đường hướng giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao bằng biện pháp văn minh, đáp ứng được nguyện vọng của các bên.”
Liên quan đến kết quả điều tra vụ điệp viên hai mang bị đầu độc, ông Alexander Shulgin nhấn mạnh: “Các chuyên gia của OPCW sẽ cần 2 hoặc 3 tuần nghiên cứu và phân tích sau khi thu thập, đóng gói và đưa mẫu vật tới phòng thí nghiệm. Chúng ta đang bắt đầu đếm ngược thời gian công bố kết quả”.
Tuy nhiên, ông Alexander Shulgin cho rằng, việc xác định đối tượng đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên nằm ngoài phận sự của OPCW: “Chúng tôi hy vọng các chuyên gia sẽ đưa ra kết luận chính xác, rõ ràng về thành phần hóa học của mẫu vật thu thập được tại hiện trường. Song, nhiệm vụ của phái bộ này không bao gồm xác định những đối tượng chịu trách nhiệm”.
Cũng vào hôm 1/4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga đã gửi một danh sách 13 câu hỏi cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) của Liên Hợp Quốc yêu cầu được trả lời về sự liên quan của mình trong cuộc thăm dò của Anh về vụ án Skripal. Danh sách này đã được Bộ Ngoại giao Nga công bố, chỉ một ngày sau khi những danh sách câu hỏi tương tự được chuyển tới Anh và Pháp. Trong một tuyên bố của mình, Nga tiếp tục nhấn mạnh, toàn bộ vụ điệp viên Skripal bị đầu độc là "câu chuyện bịa đặt chống lại Nga".
Nga mong muốn OPCW đáp ứng những gì?
Danh sách các câu hỏi do phái đoàn thường trực của Nga tại Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đệ trình, được chia thành các mục nhỏ. Trước hết, Anh muốn tìm hiểu loại dữ liệu và tài liệu Anh cung cấp cho OPCW và liệu cơ quan này có kế hoạch chia sẻ các thông tin từ phía Anh cho Nga hay không.
Tiếp đến, Nga muốn biết London đã đề nghị các chuyên gia kỹ thuật của OPCW hỗ trợ những gì? yêu cầu Ban thư ký Kỹ thuật OPCW xác nhận cụ thể điều gì? Chỉ chứng nhận chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ đầu độc, hay chứng nhận rõ đó là loại “Novichok” như các nước phương Tây cáo buộc.
Trong danh sách này cũng có những câu hỏi dành cho OPCW như người nào dẫn đầu nhóm chuyên gia của tổ chức này đến Anh để điều tra vụ đầu độc, những chuyên gia nào tham gia nhóm, và thời gian điều tra bao lâu?
Liên quan đến quá trình thu thập mẫu vật, Bộ Ngoại giao Nga mong nhận được câu trả lời liệu OPCW có thu thập bằng chứng, mẫu vật dựa trên những nguyên tắc điều tra cơ bản của tổ chức này hay không, cũng như danh sách phòng thí nghiệm được ủy quyền phân tích mẫu vật. Bên cạnh đó, Nga cũng yêu cầu OPCW giải thích sự tham gia của Pháp và các nước thành viên khác trong EU trong việc điều tra vụ án Skripal.
Tuyên bố của Bộ trên nêu rõ: “Phía Nga muốn biết liệu các chuyên gia kỹ thuật của OPCW có chấp thuận tiết lộ dữ liệu cuộc điều tra của phía Anh cho các nước trong Liên minh Châu Âu hay không. Và liệu Pháp có thông báo cho tô chức này về việc tham gia cuộc điều tra, bởi theo Nga, đây là một vụ án có liên quan đến công dân Nga trên đất Anh, ảnh hưởng không rõ ràng đến lợi ích của Pháp. Trước đó, hôm 31/3, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã công bố danh sách câu hỏi gửi Bộ Ngoại giao Anh và Pháp liên quan vụ việc trên.
Tại sao Nga muốn giải quyết nhanh chóng tình hình
Trên thực tế, cả Nga, Mỹ và Liên minh Châu Âu đều nhận ra rằng, kéo dài căng thẳng ngoại giao sẽ chẳng đi đến đâu, ngược lại còn gây tổn hại tới lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Đòn đánh hội đồng của Mỹ và phương Tây đối với Nga được coi là đòn trừng phạt tập thể quy mô nhất trong lịch sử tình báo thế giới, có thể khiến nước Nga hứng chịu hậu quả nặng nề. Theo các nhà quan sát, với việc bị trục xuất hơn 100 nhân viên ngoại giao tại các đại sứ quán, lãnh sự quán ở 28 quốc gia, Nga sẽ mất đi một lực lượng lớn các nhân viên tình báo đã dày công xây dựng ở Mỹ và Châu Âu. Điều này sẽ khiến Nga gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin và bù đắp lỗ hổng trong mạng lưới tình báo tại nước ngoài.
Còn đối với phương Tây thì sự chia rẽ giữa các đồng minh liên quan đến biện pháp trừng phạt Nga ngày càng sâu sắc. Bởi thực tế, chưa đến một nửa thành viên trong khối EU tham gia cuộc chiến ngoại giao với Anh, vì hoài nghi về những chứng cớ đưa ra về cáo buộc đối với Nga. Hơn nữa, chỉ cần Nga đáp trả với mức độ khác nhau cũng như sử dụng biện pháp khác nhau đối với từng nước đã áp đặt lệnh trừng phạt thì sự rạn nứt ấy sẽ càng khó hàn gắn.
Căng thẳng ngoại giao giữa Nga với Mỹ, EU cũng khiến quá trình hợp tác giải quyết các điểm nóng xung đột như Syria, Iraq, Triều Tiên bị lâm vào bế tắc. Vì Nga vẫn là một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong các vấn đề quốc tế.
Mỹ và Đức để cho Nga một đường lùi
Theo một số nhà phân tích, mọi cuộc khủng hoảng đều tuân theo quy luật họa đồ hình sin, có khởi nguồn, có căng thẳng đỉnh điểm và cuối cùng sẽ kết thúc. Bất chấp các nỗ lực “so găng” trong cuộc chiến ngoại giao, các bên vẫn chưa thể bước qua “lằn ranh đỏ” dẫn đến Chiến tranh Lạnh và vẫn hé mở cơ hội hòa giải, hợp tác với đối phương.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga tại Mỹ và đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle. Tuy nhiên, một quan chức trong bộ Ngoại giao Mỹ thông báo với hãng tin Business Insider rằng, Mỹ sẽ không yêu cầu Nga cắt giảm thêm số nhân viên đang làm nhiệm vụ tại Mỹ. Bên cạnh đó, Nga có thể thay thế những nhân viên ngoại giao bị trục xuất bằng các nhân viên khác. Phản ứng trước thông tin này, hãng tin nhà nước Vesti (Nga) trích dẫn bình luận một quan chức Nga nhấn mạnh: “Cánh cửa đã được mở”.
Cũng trong ngày 1/4, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass tuyên bố, Đức muốn khôi phục đối thoại với Nga để từ đó xây dựng quan hệ và củng cố niềm tin giữa hai bên sau những căng thẳng giữa liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Heiko Mass nói rằng, niềm tin giữa hai nước đã mất đi nhiều trong những năm gần đây vì một số bất đồng, tuy nhiên Đức cần Nga như là một đối tác để “giải quyết xung đột khu vực, giải trừ vũ khí và Nga là một trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa các quốc gia. Do đó, Đức mong muốn đối thoại cởi mở và cố gắng xây dựng lại niềm tin nếu Nga sẵn sàng. Trước đó, Đức đã cấp phép để xây dựng Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, nối từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức.
Theo Hồng Anh (Vov.vn)