Trước là Algeria và Iraq...
Sau màn trình diễn chói sáng ở chiến trường Syria, xe tăng T-90 của Nga bỗng trở nên đắt hàng "như tôm tươi" khi được nhiều quốc gia đặt mua với số lượng lớn. Trong đó phải kể đến Ấn Độ với hợp đồng 464 chiếc xe tăng T-90MS, Iraq và Việt Nam cùng chọn phiên bản T-90S.
Algeria cũng đặt mua thêm lượng lớn xe tăng T-90 (phiên bản T-90SA) để trở thành khách hàng lớn thứ 2 đối với dòng xe tăng chiến đấu chủ lực tuyệt hảo này, chỉ sau Ấn Độ.
Và thật tình cờ, tàu vận tải Ocean Energy (dạng Ro-Ro) được Nga tín nhiệm chọn làm tàu "con thoi" liên tục và liên tục thực hiện các chuyến tiếp nhận và bàn giao các lô xe tăng T-90 cho nhiều khách hàng khác nhau.
Trước khi chuyển tới tay khách hàng Iraq lô xe tăng T-90S đầu tiên hồi tháng 2 vừa qua, tàu Ocean Energy đã bàn giao cho Algeria loạt xe tăng T-90S (phiên bản T-90SA) hiện đại vào tháng 7 năm 2016 theo hợp đồng đặt mua 200 chiếc ký năm 2014 với công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport (Nga), trị giá ước tính lên tới cỡ 1 tỷ USD.
Vì tàu Ocean Energy là dạng Roll-on/roll-off hay RORO chuyên dụng dùng cho các loại hàng tự vận hành lên tàu được như xe hơi, xe tải, xe moóc kéo, xe đầu kéo, xe bánh xích... nên các xe tăng (T-90S) có thể tự "leo" lên tàu mà không phải sử dụng cần cẩu để đưa hàng lên như các tàu lo-lo hay LOLO (tức lift-on/lift off) đối với hàng container.
Tất cả các xe tăng T-90 khi tập kết ở cảng đều ở dạng để "trần", tức là các tấm giáp và một số trang bị khí tài đã được tháo ra, chỉ khi nào về đến nơi tiếp nhận mới lắp lại và kiểm tra kỹ thuật lần cuối trước khi bàn giao chính thức cho khách hàng.
... nay là Việt Nam?
Các chuyến tàu "con thoi" mà Ocean Enery thực hiện tới nay đều an toàn, đúng hẹn, chính vì thế nó liên tục được tín nhiệm và trở nên nổi tiếng với những chuyến hàng đặc biệt chở xe tăng T-90 bàn giao cho Algeria, Iraq.
Từ cuối năm ngoái, các hãng thông tấn lớn như Interfax, TASS đều đồng loạt loan tin phía Nga đang sẵn sàng bàn giao xe tăng T-90S cho các khách hàng Iraq và Việt Nam. Tiếp đó, hồi tháng 2 vừa qua, tàu Ocean Enery đã chở lô xe tăng T-90S đầu tiên tới Iraq kèm theo một số vũ khí trang bị khác như xe cứu kéo, xe rà phá mìn,...
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất của trang thông tin hàng hải MarineTraffic thì chiếc tàu vận tải Ocean Energy hiện đang neo đậu ở cảng St. Petersburg, Nga.
Hiện chưa có thông tin cụ thể về loại hàng mà con tàu này tiếp nhận cũng như đích đến của nó, tuy nhiên, có một số phỏng đoán rằng Ocean Energy có thể đang tiến hành nhận lô xe tăng T-90S đầu tiên của khách hàng Việt Nam để chuẩn bị bàn giao tại một cảng chỉ định trên dải đất hình chữ S.
Con tàu này thực hiện chuyến hành trình dài ngày (khoảng 45 ngày), vượt qua 2 đại dương lớn là Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương tương tự như các tàu Rolldock chở tàu ngầm Kilo và tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 để về tới Việt Nam.
Được biết, các xe tăng T-90S của Việt Nam do Công ty UralVagonZavod chế tạo tại nhà máy ở Nizhny Tagil, nơi cung cấp nhiều xe tăng hiện đại như T-90 và tới đây là T-14 Armata cho Quân đội Nga cũng như các khách hàng nước ngoài.
UralVagonZavod hiện đang được đầu tư lớn để hiện đại hóa cơ sở vật chất và nâng cấp dây chuyền công nghệ cũng như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ kỹ sư, thợ kỹ thuật nhằm sẵn sàng đón đầu cho việc sản xuất hàng loạt xe tăng T-14 Armata hiện đại theo Chương trình mua sắm quốc phòng cấp Nhà nước (Nga) trong giai đoạn 2018-2027.
Hy vọng, đích đến lần này của tàu Ocean Energy sẽ là Việt Nam với lô hàng xe tăng T-90S mang trên mình, đáp ứng lòng mong mỏi của không chỉ cán bộ chiến sĩ Binh chủng Tăng - Thiết giáp mà còn của nhiều người yêu quân sự Việt Nam vốn luôn giành quan tâm tới sự lớn mạnh và truyền thống hào hùng của Quân đội ta.
Theo N.Tuấn Sơn (Soha/Thời Đại)