Cuộc thử nghiệm diễn ra ngày 23/5 tại bãi thử Point Mugu, California khi 2 quả tên lửa diệt hạm tầm xa (LRASM) được phóng đi từ máy bay B-1B đã bắn trúng cùng lúc tàu mục tiêu đang di chuyển trên biển.
Nhà sản xuất Lockheed Martin tuyên bố sau khi thử nghiệm thành công: "Hai tên lửa tự dẫn đường qua tất cả tọa độ định trước, sử dụng bộ cảm biến để phát hiện và tự chuyển hướng theo các mục tiêu di động trên biển. Hai tên lửa sau đó khóa, bắn trúng và phá hủy mục tiêu giả định".
Cùng với nhà sản xuất, Lầu Năm Góc cũng ra thông báo cho biết: "Việc thử nghiệm thành công LRASM mới mang lại sự tự tin cho thời gian hoạt động sắp tới của nó, đưa vào kho của Hải quân và Không quân Mỹ một loại vũ khí chưa từng có và đã được kiểm chứng".
Không chỉ nói về kết quả buổi thử nghiệm, Bộ Quốc phòng Mỹ còn tiết lộ vừa ký bản hợp đồng với nhà sản xuất mua 23 quả tên lửa LRASM với số tiền lên tới 86,5 triệu USD.
Nguồn tin này cho biết, đây là biến thể LRASM được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet và oanh tạc cơ B-1B Lancer.
Chuyên gia quân sự Sydney J. Freedberg Jr của Lockheed Martin cho biết, với trí tuệ nhân tạo, LRASM là bước tiến lớn từ chương trình tên lửa không đối đất AGM-158 JASSM.
Nhà sản xuất Lockheed Martin đã trang bị cho LRASM đầu dò vô tuyến đa chức năng cùng đường truyền dữ liệu (datalink) tối tân. Sau khi rời khỏi bệ phóng, nó sẽ nhận dữ liệu mục tiêu từ tàu chiến hoặc máy bay, sau đó tiếp tục nhận thông tin cập nhật về mục tiêu qua kết nối với vệ tinh.
Khi LRASM áp sát mục tiêu, nơi tín hiệu liên lạc vệ tinh bị gây nhiễu hoặc gián đoạn, tên lửa sẽ bay theo lộ trình được vạch sẵn. Các hệ thống cảm biến trên tên lửa sẽ xác định những khu vực bị đe dọa bởi vũ khí phòng không của đối phương, từ đó tự điều chỉnh hướng bay để vòng qua khu vực này.
Tên lửa nhanh chóng hạ độ cao xuống sát mặt biển để tránh bị hệ thống radar trên tàu chiến đối phương phát hiện. Các hệ thống cảm biến trên tên lửa của liên tục rà quét các vị trí trang bị vũ khí phòng không trên mục tiêu để gia tăng khả năng sống sót của nó.
Sydney J. Freedberg Jr khẳng định rằng, với đầu nổ xuyên - phá mảnh nặng 454 kg, tên lửa LRASM đủ sức nhấn chìm hầu các mục tiêu trên biển. Với mục tiêu cỡ lớn như tàu tuần dương lớp Slava, hay tau khu trục giống như lớp Sovremenny của Nga, hai quả LRASM là quá đủ cho một mục tiêu.
Tiết lộ về khu vực được ưu tiên trang bị LRASM, tạp chí National Interest dẫn tuyên bố của quản lý chương trình vũ khí tấn công độ chính xác cao của Hải quân Mỹ, Đại tá Jaime Engdahl cho biết, điểm nóng Thái Bình Dương, Baltic sẽ được Mỹ chọn để ưu tiên trang bị tên lửa tối tân này.
"Mọi thứ đã sẵn sàng, từ công tác huấn luyện triển khai trên máy bay, tàu chiến cho đến tấn công trong thực tế, LRASM đều mang lại kết quả ngoài mong đợi", Jaime Engdahl cho biết và nhấn mạnh thêm rằng, chỉ với LRASM, Mỹ đủ khiến những cái đầu nóng trên Thái Bình Dương và Baltic bớt hung hăng.
Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)