Trong buổi sáng ngày 11/5, 3 chiếc trực thăng tấn công Z-9D mang số hiệu 9387, 9397 và 9417 của Hải quân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập bắn đạn thật trên biển với tên lửakhông đối hạm YJ-9.
Theo thông báo của phía Trung Quốc thì đợt thực hành trên đã thu về kết quả tốt, mục tiêu bị nhấn chìm ngay trong loạt đạn đầu, cho thấy khả năng kết hợp giữa Z-9D và YJ-9 là rất đáng nể.
Hiện nay Z-9D là trực thăng đầu tiên của Hải quân Trung Quốc có khả năng trang bị tên lửa chống hạm, "người tiền nhiệm" Z-9C của nó chỉ đơn thuần là trực thăng chống ngầm.
Điều đáng chú ý chính là mặc dù Z-9D đã được giao cho nhiệm vụ mới nhưng các chức năng cơ bản ở biến thể Z-9C vẫn được giữ lại nguyên vẹn. Do vậy, tính năng của Z-9D có thể so sánh với MH-60R Seahawk của Mỹ.
Để dẫn bắn cho tên lửa YJ-9, trực thăng Z-9D đã được lắp đặt một radar đa năng KLC-3B và các điểm treo vũ khí mới, nó đủ sức tiếp nhận tối đa 4 tên lửa chống hạm hạng nhẹ có khối lượng 105 kg (mang theo đầu đạn nặng 30 kg), tầm bắn 15 km và vận tốc hành trình Mach 0,7.
Phương thức tấn công của Z-9D đó là trực tiếp sử dụng radar KLC-3B, hoặc liên kết dữ liệu với radar trên tàu mẹ để xác định mục tiêu. Khi đã nhận rõ đối tượng cần tiêu diệt, trực thăng Z-9D sẽ âm thầm tiếp cận ở độ cao thấp trong chế độ "yên lặng".
Đến tầm bắn hiệu quả, radar KLC-3B sẽ được kích hoạt để quét xung quanh một lần nữa, nếu nhìn rõ đối phương thì phi công sẽ ra lệnh phóng tên lửa YJ-9, sau đó trực thăng Z-9D có thể nhanh chóng rút lui.
Tuy nhiên, có một điều gây thắc mắc cho người Trung Quốc, đó là tầm bắn của YJ-9 rất ngắn và đầu đạn rất nhẹ, chỉ đủ làm bị thương một tàu chiến cỡ nhỏ chứ không đánh chìm được nó, vậy khi đó trực thăng Z-9D có gặp nguy hiểm vì sự phản kích của kẻ địch?
Trước bắn khoăn trên, lần này, Trung Quốc không khoa trương như mọi khi mà họ đã nói thẳng đối tượng tác chiến của tên lửa YJ-9 chính là tàu tấn công nhanh tàng hình cỡ nhỏ lớp Kuang Hua VI của Hải quân Đài Loan.
Chiếc chiến hạm với lượng giãn nước đầy tải 171 tấn này tuy rằng có khả năng diệt hạm khá mạnh với 4 tên lửa hành trình Hsiung Feng II nhưng hỏa lực phòng không của nó chỉ vỏn vẹn 1 khẩu pháo 20 mm điều khiển thủ công, sẽ chẳng thể nào phòng thủ hay phản công trước đòn đánh của trực thăng Z-9D.
Mặc dù vậy Trung Quốc cũng công nhận những hạn chế của tên lửa YJ-9 và máy bay lên thẳng Z-9D, họ cho rằng bộ đôi này không thể phát huy tác dụng nếu gặp phải một lực lượng hải quân mạnh hơn.
Chính vì vậy mà Bắc Kinh hiện đang tích cực phát triển thế hệ trực thăng hạm tàu mới là chiếc Z-20H có khả năng mang tên lửa chống tàu tầm xa YJ-83KH tính năng vượt trội YJ-9.
Theo Nam Đồng (Soha/Thời Đại)