Theo nguồn tin này, những chiến hạm thuộc Dự án 1124 và 1124M của Hạm đội Biển Đen được ưu tiên trang bị tên lửa chống ngầm mới 90P1. Nguồn tin quân sự Nga cho biết, trước khi có quyết định trang bị chính thức, dòng tên lửa này đã vượt qua hàng loạt cuộc thử nghiệm khắt khe trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau.
Nói về mục đích của chương trình phát triển tên lửa 90P1, nguồn tin quân sự Nga cho biết, để đối phó với các tàu ngầm thường sử dụng chiến thuật chạy trốn khi bị phát hiện, do đó tốc độ tấn công có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ngăn chặn cuộc tẩu thoát của đối phương.
Ngư lôi thường có tốc độ không đủ nhanh, khó đuổi kịp tàu ngầm ở cự ly xa. Trong khi đó, khi phóng ngư lôi xuống nước, vị trí di chuyển của ngư lôi nhanh chóng bị lộ, đối phương có thể sử dụng các biện pháp đối phó. Và các kỹ sư Nga đã phát triển một vũ khí độc đáo là tên lửa chống ngầm 90P1 nhằm tăng tốc độ tấn công.
Quá trình phát triển 90P1 không được Nga công bố nhưng cho biết dòng tên lửa này được thiết kế để có thể trang bị trên các tàu chiến có lượng giãn nước từ 350 tấn trở lên nhằm xây dựng lực lượng chống ngầm cơ động nhanh.
Sự độc đáo của tên lửa 90P1 chính là sự kết hợp giữa một tên lửa và ngư lôi. Cấu hình hệ thống gồm: Tên lửa, đầu đạn là ngư lôi đường kính 324 mm, ống phóng và hệ thống điều khiển hỏa lực.
Cơ chế hoạt động của vũ khí khá độc đáo, sau khi hệ thống định vị thủy âm phát hiện tàu ngầm đối phương. Sĩ quan điều khiển sẽ nạp tham số mục tiêu vào ngư lôi và phóng đi như tên lửa bình thường. Khi đến tọa độ nạp sẵn, ngư lôi sẽ tách ra khỏi tên lửa và rơi xuống nước bằng dù, kích hoạt động cơ và lao đến mục tiêu.
Ngư lôi của 90P1 có chiều dài 3 m, đường kính 324 mm, trọng lượng 325 kg. Tên lửa này sử dụng đầu dò thủy âm chủ động có thể diệt tàu ngầm đối phương ở độ sâu từ 15 – 1.000 m. Tên lửa có tầm bắn tối thiểu 1,6 km, tối đa trên 20 km. Mỗi cụm phóng chứa 4 ống phóng với tổng trọng lượng 9,2 tấn.
Ngoài trang bị trên tàu chiến, tên lửa 90P1 có thể phóng từ bệ phóng trên bờ. Với khả năng đặc biệt của 90P1, Nga tự tin khẳng định dòng tên lửa này đủ mạnh và linh hoạt để có thể diệt mọi loại tàu ngầm tối tân nhất của phương Tây.
Cùng với việc phát triển tên lửa mới, Nga cũng đã tiến hành nâng cấp đạn chống ngầm thế hệ cũ RPK-9 Medvedka lên tiêu chuẩn mới Medvedka 2. Tên lửa mới sử dụng cơ cấu phóng thẳng đứng thay vì phóng nghiêng như trước.
Người ta trang bị cho tên lửa hệ thống điều khiển bay tự động mới cho phép tác chiến hiệu quả hơn. Việc chuyển sang cơ cấu phóng thẳng đứng giúp tên lửa dễ dàng bố trí trên các tàu chiến mới.
Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)