"Thành công liên tiếp của dự án LRASM đã làm tăng sự tự tin với khả năng tác chiến của loại vũ khí này, chuẩn bị sẵn sàng cho sự xuất hiện của loại tên lửa không có đối thủ trong biên chế hải quân và không quân Mỹ", Sputnik dẫn thông cáo của tập đoàn Lockheed Martin hôm 13/12.
Trong thử nghiệm mới nhất, một oanh tạc cơ B-1B Lancer đã phóng đồng thời hai quả LRASM vào nhiều mục tiêu khác nhau trên biển. Tập đoàn Lockheed Martin cho biết các mục tiêu quan trọng của thử nghiệm đều được hoàn tất, trong đó bao gồm cả việc đánh trúng mục tiêu.
LRASM là viết tắt của Long Range Anti-Ship Missile (Tên lửa chống hạm tầm xa). Dự án này được phát triển nhằm tạo ra loại vũ khí lấp chỗ trống của tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon. Các loại vũ khí chống hạm đã bị Mỹ bỏ quên từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc khiến Lầu Năm Góc không thể ngồi yên.
Uy lực của tên lửa LRASM theo lý thuyết |
Tên lửa này được trang bị đầu dò radio đa chức năng cùng đường truyền dữ liệu (datalink) tiên tiến. Sau khi rời khỏi bệ phóng, nó sẽ nhận dữ liệu mục tiêu từ tàu chiến hoặc máy bay, sau đó tiếp tục nhận thông tin cập nhật về mục tiêu qua kết nối với vệ tinh. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết LRASM có tầm bắn trên 370 km, trong khi các chuyên gia ước tính con số này có thể đạt mức 560 km.
Hồi tháng 7, không quân Mỹ đã ký hợp đồng đặt mua 23 tên lửa LRASM trị giá 86 triệu USD.
Theo Tử Quỳnh (VnExpress.net)