Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc máy bay Trung Quốc liên tục bay vào vùng nhận dạng phòng không của nước này, một động thái mà giới phân tích xem là phản ứng của Bắc Kinh trước mối quan hệ đồng minh ngày càng thân thiết giữa Seoul, Tokyo và Washington, theo South China Morning Post.
Các quan chức từ Seoul cho biết một máy bay Trung Quốc, có thể là dòng Shaanxi Y-9 kết hợp tác chiến điện tử và hoạt động trinh thám đã bay vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc hôm 26/11 mà không hề báo trước. Chiếc máy bay này xuất hiện từ vị trí gần Đá Socotra trên Biển Nhật Bản, đi vào vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc lúc 11h và đi vào vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản khoảng 40 phút sau đó.
Máy bay tiếp tục đi vào vùng nhận dạng phòng Hàn Quốc ở khu vực cạnh thành phố Pohang phía đông nam nước này lúc 12h43, sau đó đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc trên Biển Nhật Bản, nằm giữa đất liền Hàn Quốc và đảo Ulleung.
Đây là đường bay bất thường của một máy bay Trung Quốc. Máy bay này rời khỏi vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc lúc 15h53.
Cạnh tranh ảnh hưởng
Vùng nhận dạng phòng không là khái niệm không được công nhận bởi bất kỳ hiệp ước quốc tế nào, và máy bay Trung Quốc cũng không hề xâm phạm không phận Hàn Quốc.
Theo thống kê của lực lượng không quân Hàn Quốc, số vụ máy bay Trung Quốc đi vào vùng nhận dạng phòng không nước này đang ngày càng gia tăng. Năm 2016 có 60 trường hợp, đến năm 2017 con số này tăng lên 70 và tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2018 đã có 110 vụ máy bay Trung Quốc đi vào vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc.
Seoul đã triệu tập tùy viên quân sự Trung Quốc tại Hàn Quốc để bày tỏ "những quan ngại sâu sắc" và yêu cầu "các biện pháp ngăn chặn việc này tái diễn".
Các chuyên gia phân tích an ninh cho rằng những chuyến bay của Trung Quốc là cách để nước này thể hiện phản ứng trước nguy cơ Washington gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực trong trường hợp đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đổ vỡ.
Việc điều chiến đấu cơ bay qua khu vực này sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng sự giám sát và cũng gửi thông điệp đến các bên liên quan rằng Trung Quốc đang theo dõi sát sao tình hình, thậm chí có thể hành động nếu lợi ích chiến lược của nước này ở khu vực bị đe dọa.
Quân đội Mỹ cũng đưa phi cơ quân sự đến khu vực, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược B-52 có khả năng hạt nhân. Bắc Kinh và Bình Nhưỡng chỉ trích kịch liệt hành động này mặc dù Washington từ lâu đã viện dẫn các hành động của Triều Tiên để lý giải cho hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực, trong đó có các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.
Những hành vi này đã giảm đi rất nhiều trong năm nay để làm yên lòng Bình Nhưỡng trên bàn đàm phán, nhưng Mỹ hoàn toàn có thể ngay lập tức đẩy mạnh hoạt động trở lại nếu các cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa thất bại.
Ông Ryo Hinata-Yamaguchi, giáo sư thỉnh giảng Đại học Pusan, nghiên cứu viên tại Diễn đàn Thái Bình Dương - một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại phi lợi nhuận có trụ sở tại Hawaii, cho rằng: "Hoạt động của máy bay Trung Quốc là một phần trong chiến lược lâu dài của nước này để gia tăng ảnh hưởng, tăng cường hiện diện và áp lực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nguy cơ đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng thất bại cũng nằm trong tính toán của Bắc Kinh".
Vị chuyên gia cũng nhận định: "Tôi cho rằng các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ quay trở lại với quy mô toàn diện nếu đàm phán Mỹ - Triều hoặc đàm phán liên Triều thất bại. Cả Seoul và Washington sẽ thấy các cuộc tập trận chung là rất thiết thực vào lúc đó".
"NATO châu Á"
Ông Triệu Đồng, một nhà nghiên cứu của chương trình chính sách hạt nhân tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho rằng chuyến bay gần đây nhất mang theo một vài thông điệp.
Việc nối lại các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc và các hành động nhằm hiện đại hóa quân đội của Nhật Bản "được Trung Quốc xem là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của nước này và chuyến bay là thông điệp gửi đi tín hiệu đó".
Ông Triệu cũng cho rằng việc Nhật Bản tăng cường mua thiết bị quân sự tiên tiến của Mỹ là một trong những yếu tố khiến cho máy bay trinh sát Trung Quốc tăng cường hoạt động ở khu vực để thu thập thông tin về những gì đang diễn ra.
Bắc Kinh từ lâu đã lo ngại mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc và đặc biệt là nguy cơ ba nước này thành lập một khối quân sự riêng, thường được gọi là "NATO châu Á".
Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký một hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự vào năm 2016. Trung Quốc đã chỉ trích thỏa thuận này và cho rằng các quốc gia liên quan có "cách suy nghĩ thời chiến tranh lạnh".
"Việc thành lập một tam giác liên minh giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ trở thành đe dọa lớn nhất với Bắc Kinh", giáo sư Hinata-Yamaguchi nói.
"Trung Quốc sẽ tiến hành, thực tế đã tiến hành, các biện pháp để ngăn chặn việc thành lập tam giác liên minh Mỹ - Hàn - Nhật, chẳng hạn như thúc đẩy tuyên bố '3 điểm' mà Trung Quốc và Hàn Quốc đã cam kết vào mùa thu 2017".
Song Bắc Kinh hạ thấp mức độ nghiêm trọng của sự việc, nói chuyến bay là "hoạt động định kỳ".
Ông Nhậm Quốc Cường, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tuần trước nói quân đội nước này "tuân thủ luật pháp và tập quán quốc tế", và Hàn Quốc "không cần phải quá ngạc nhiên về việc này".
Theo Sơn Trần (Tri Thức Trực Tuyến)