Ngày 9/11, Reuters đưa tin các quan chức cấp cao Mỹ đã thúc giục phía Trung Quốc chấm dứt hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trong lúc đó, phía Trung Quốc đáp lại bằng những lời quở trách Washington cử tàu chiến tới gần các đảo mà nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền tại vùng biển mang tính chiến lược trên.
“Chúng tôi tiếp tục quan ngại về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi thúc giục Trung Quốc thực hiện đúng những điều đã cam kết trong khu vực”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết Trung Quốc cam kết “không đối đầu” nhưng nói rằng Bắc Kinh có quyền xây “các cơ sở quốc phòng cần thiết” trên những nơi được cho là "lãnh thổ Trung Quốc". Ông Vương đồng thời kêu gọi Washington ngừng đưa tàu chiến và máy bay quân sự tới gần các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng James Matis nêu rõ Washington sẽ không cân nhắc yêu cầu trên. Ông khẳng định Mỹ đang thực hiện đúng theo luật quốc tế để bảo vệ quyền tự do hàng hải hàng không của Mỹ và các nước trên Biển Đông.
Trong cuộc đàm phán Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ - Trung thường niên, ông Pompeo và Bộ trưởng Mattis đã làm việc cùng Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa. Ban đầu, cuộc đàm phán dự kiến tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng 10 nhưng bị hoãn giữa lúc căng thẳng leo thang.
Tại Washington, hai bên đã thẳng thắn trao đổi nhiều quan điểm khác biệt xoay quanh các vấn đề như tranh chấp thương mại, tự do hàng hải hàng không ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương, hòn đảo tự trị Đài Loan và việc Trung Quốc đàn áp cộng đồng Hồi giáo thiểu số.
Ông Ngụy Phượng Hòa cho biết Bắc Kinh sẽ bảo vệ chủ quyền với Đài Loan “bằng bất cứ giá nào”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Mỹ - Trung nhất trí cần giảm căng thẳng quân sự để tránh những vụ đụng độ không chủ đích.
Hai quan chức cấp cao Trung Quốc cũng tận dụng cơ hội này để công khai cảnh báo cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây tổn hại cho cả hai bên, đồng thời kêu gọi duy trì kênh liên lạc để giải quyết vấn đề đang khiến thị trường tài chính toàn cầu bất ổn.
Ông Dương Khiết Trì hy vọng tìm thấy giải pháp hợp lý mà hai phía cùng tán thành để giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Mặc dù có nhiều lời trách cứ qua lại, cuộc đàm phán này nhằm kiểm soát thiệt hại đối với mối quan hệ song phương ngày càng xấu trong những tháng gần đây và mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina cuối tháng này.
“Mỹ không theo đuổi Chiến tranh Lạnh hay chính sách ngăn chặn với Trung Quốc”, Ngoại trưởng Pompeo phát biểu tại cuộc họp báo chung. Ông nhắc tới những nỗ lực thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và khẳng định kể cả khi Mỹ và Trung Quốc đối mặt với những thách thức khó khăn, “hợp tác vẫn là thiết yếu trong nhiều vấn đề”.
Theo Ngọc Hà (Tri Thức Trực Tuyến)