Thành lập trung đoàn không quân mới
Theo báo PK-KQ, Trung đoàn Không quân 915 trực thuộc Trường sĩ quan Không quân đã tổ chức thành công ban bay cán bộ đầu tiên sau khi được thành lập. Đại tá Ngô Vĩnh Phúc - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân dự và chỉ đạo ban bay.
Được biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn khi đơn vị mới được thành lập, song, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nhất trí cao, hiệp đồng chặt chẽ với Trung đoàn 910 tổ chức thành công ban bay theo kế hoạch đã đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Trước khi Trung đoàn không 915 được thành lập, nhiệm vụ đào tạo phi công trực thăng quân sự được giao cho Trung đoàn không quân 910. Đơn vị này đào tạo cả phi công phản lực sử dụng máy bay huấn luyện phản lực L-39 và phi công trực thăng quân sự sử dụng trực thăng Mi-8.
Như vậy, từ nay trong biên chế của Không quân Việt Nam đã có thêm một trung đoàn trực thăng mới, trực thuộc Trường sĩ quan Không quân. Đơn vị có nhiệm vụ đào tạo phi công quân sự (phi công trực thăng), góp phần vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
Trung đoàn 915 được trang bị vũ khí gì?
Toàn bộ máy bay trực thăng Mi-8 cùng đội ngũ giáo viên, thợ kỹ thuật và lực lượng đảm bảo mặt đất trước đây nằm trong đội hình Trung đoàn 910 nay đã được chuyển giao về Trung đoàn 915.
Mới thành lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc tổ chức thành công ban bay đầu tiên là tiền đề quan trọng, làm cơ sở để đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, bảo đảm an toàn bay trong thời gian tới.
Được biết, Trung đoàn 915 mới thành lập vẫn đóng quân cùng Trung đoàn 910 tại căn cứ sân bay Tuy Hòa (hay còn gọi là sân bay Đông Tác).
Đây là sân bay lưỡng dụng dùng chung cho cả quân sự và dân sự do Mỹ xây dựng và được Không quân Việt Nam tiếp quản, khai thác sau Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975.
Trong chiến tranh, đây là căn cứ không quân lớn quan trọng của Không lực Hoa Kỳ với 3 đường cất hạ cánh (2.835 m, 844 m và 2.900 m).
Ngày nay, các đơn vị đóng quân tại sân bay Tuy Hòa chỉ còn sử dụng 1 đường băng duy nhất dài 2.900m đã được nâng cấp cùng với các cơ sở hạ tầng như nhà ga, sân đỗ, nhà chứa máy bay, khí tài dẫn đường,... khá hiện đại.
Các máy bay trực thăng của Trung đoàn 915 đều là loại Mi-8 chuyên làm nhiệm vụ vận tải, không có thùng phóng rocket để làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực gần cho bộ binh hoặc săn diệt binh lực, hỏa lực của đối phương.
Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo Trung đoàn 915, các phi công trực thăng quân sự sẽ được biên chế về các trung đoàn không quân trực thăng thuộc các sư đoàn không quân 370, 371, 372 hoặc Lữ đoàn không quân hải quân.
Tại đơn vị mới, họ sẽ tiếp tục được đào tạo nâng cao trước khi được phê chuẩn chính thức làm nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu, làm nhiệm vụ vận tải hoặc tìm kiếm cứu nạn, thả dù, đổ quân,...
Nếu được bay trên các loại trực thăng Mi-8, Mi-17 (hoặc các loại khác) có trang bị vũ khí (như thùng phóng rocket) họ sẽ được đào tạo thêm về các khoa mục sử dụng hỏa lực và tham gia các cuộc diễn tập bắn ném.
Trước định hướng tiến thẳng lên hiện đại, sắp tới Quân chủng phòng không - Không quân có thể sẽ được trang bị một số loại máy bay trực thăng mới, rất có thể Trung đoàn 915 cũng sẽ được bổ sung một số máy bay mới hơn để đào tạo phi công trực thăng quân sự đáp ứng được yêu cầu sử dụng thành thục, làm chủ các loại vũ khí khí tài hiện có và sắp được trang bị.
Chúc Trung đoàn 915 luôn khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp đào tạo phi công quân sự cho Quân chủng, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
Huấn luyện nhảy dù tại Trung đoàn 910 |
Theo Bình Nguyên (Soha/Thời Đại)