Nhận định trên được chuyên gia Makar Aksenenko đưa ra khi nói về sự đúng đắn của Việt Nam khi mua máy bay vận tải NC-212i do Indonesia sản xuất theo công nghệ của châu Âu.
Chuyên gia Nga cho rằng, Việt Nam đã thực hiện sự lựa chọn hợp lý, bởi NC-212i là loại máy bay vận tải đa năng không đắt tiền, lại có thể được sử dụng trong một thời gian dài.
Căn cứ vào các nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ bờ biển, các máy bay này có thể được sử dụng để vận chuyển hành khách và hàng hóa, cũng như trong các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.
Tải trọng hữu ích lớn của loại máy bay này là đặc biệt quan trọng đối với một khu vực có nhiều tàu nổi khác nhau như vùng ven bờ Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, NC-212i cũng có thể được trang bị thêm 2 điểm treo để lắp vũ khí nặng đến 500 kg (kể cả container và bệ phóng tên lửa lớp không đối hải, đối đất). Nhờ đó máy bay có thể được sử dụng để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của đất nước, chống cướp biển và tàu đánh cá trộm.
Nếu máy bay NC-212i được sử dụng cùng với các máy bay trực thăng trinh sát như Dauphin của châu Âu hoặc Ka-27 của Nga thì nó hoàn toàn bảo đảm thực hiện các công việc trinh sát và tìm kiếm, để bảo vệ từ trên không các vùng biển gần bờ và cả xa bờ.
Hiện nay lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã được trang bị máy bay chuyên dụng là dòng CASA C-212 do Tập đoàn Airbus chế tạo và sắp tới là biến thể NC-212i do Indonesia lắp ráp theo bản quyền.
Những chiếc C-212 đều được sơn màu xanh đặc trưng cùng logo và dòng chữ "Cảnh sát biển Việt Nam" trên thân, tuy nhiên số máy bay này lại được giao cho Lữ đoàn Không quân 918 khai thác.
Vị chuyên gia này cho rằng, lý do là bởi Cảnh sát biển Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở vật chất đủ để đảm bảo công tác hậu cần kỹ thuật và bảo dưỡng cho máy bay chuyên dụng. Do đó, việc để Lữ đoàn 918 chịu trách nhiệm sẽ giúp khắc phục điểm yếu trên.
Theo Ngọc Hòa (Đất Việt)