Năm 1975, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã sang thăm và làm việc tại Pháp. Một số người Việt ở Pháp khi biết tin đã bày tỏ mong muốn được đóng góp sức lực vào sự phát triển đất nước, trong đó có công trình sư Võ Văn Phúc với ý tưởng sản xuất máy bay nhằm gây dựng ngành kỹ thuật hàng không.
Ông Phúc là công trình sư làm việc trong hãng hàng không Air Aspasia, từng tham gia thiết kế máy bay. Concorde (loại máy bay siêu âm đầu tiên trên thế giới).
Năm 1976, đoàn cán bộ cao cấp quân sự của ta do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đã sang thăm Liên Xô và gặp một số nghiên cứu sinh Việt Nam ở Học viện Giucopxki, trong đó có đồng chí Trương Khánh Châu (sau là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).
Đại tướng nhắc nhở các cán bộ kỹ thuật của ta nên chú ý tiếp thu những kiến thức học được để sớm nghiên cứu, chế tạo máy bay, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng của nước nhà.
Đến năm 1977, đồng chí Trương Khánh Châu cùng một số đồng nghiệp hoàn tất quá trình bảo vệ luận án tiến sĩ và trở về nước.
Năm 1977, biết tin công trình sư Nguyễn Văn Phúc về nước, Quân chủng Không quân đã cử Thiếu tá Trương Khánh Châu, Trưởng phòng thiết kế Viện Kỹ thuật Không quân gặp gỡ và làm việc.
Đến ngày 4/3/1978, Quân ủy Trung ương đã họp và phê chuẩn dự án "Xây dựng cơ sở thiết kế và chế thử máy bay cánh quạt loại nhỏ" và cho phép Quân chủng Không quân triển khai thực hiện.
Sau khi có nghị quyết của Quân ủy, tháng 3/1978, chương trình thiết kế và chế thử máy bay loại nhỏ được xác lập.
Chủ nhiệm dự án là đồng chí Trương Khánh Châu; các Phó Chủ nhiệm dự án gồm: Nguyễn Văn Hải và Cao Văn Bình; tham gia thiết kế gồm: Nguyễn Quang Tiến, Nguyễn Duy Tộ, Đỗ Văn Hà, Lê Đình Cương, Võ Điện Biên, Trần Mạnh Chung, Lê Kiên Thành, Đinh Lê Dụ, Nguyễn Thanh Tường, Võ Yên Chương...
Nhận nhiệm vụ xong, cả nhóm bắt tay vào làm bản thiết kế sơ bộ. Giữa năm 1978, ông Trương Khánh Châu và Nguyễn Duy Tộ mang bản thiết kế hoàn thành sang Pháp gặp công trình sư Võ Văn Phúc để xin ý kiến.
Chuyến đi kéo dài 2 tuần, cả nhóm làm việc miệt mài ở nhà riêng của ông Võ Văn Phúc. Các tác giả trình bày thiết kế để ông Phúc nghe và đánh giá. Ông Phúc đã góp ý và cung cấp một cuốn tài liệu tính độ bền định mức tiêu chuẩn máy bay FAN-5 của Mỹ, cuốn sách này đã giúp nghiên cứu thiết kế rất nhiều trong quá trình tính toán.
Sau khi về nước, nhóm đã làm lại bản thiết kế kỹ thuật và thiết kế khí động. Cuối năm 1979, bản thiết kế mới hoàn thành, Ban nghiên cứu thiết kế lại điện mời công trình sư Nguyễn Văn Phúc về Việt Nam để trao đổi.
Tại Nhà khách ngoại giao của Viện Kỹ thuật Quân sự Không quân, ông Phúc đã làm việc cùng nhóm nghiên cứu và rất khen bản thiết kế mới, đồng thời góp một số ý bổ sung cho hoàn thiện.
Tháng 7/1980 chiếc máy bay đầu tiên mang tên TL-1, sản phẩm đầu tay của Ban nghiên cứu thiết kế được hoàn thành và xuất xưởng để chuẩn bị bay thử, dự kiến sẽ chào mừng ngày Quốc khánh ngày 2/9. TL-1 là tên viết tắt của loại máy bay được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ trinh sát liên lạc, số 1 là biểu thị của phiên bản đầu tiên của loại này.
Theo thiết kế, máy bay có 4 chỗ ngồi, hình dạng theo kiểu máy bay Racly-220 của Pháp.
Quá trình thiết kế được thực hiện công phu theo các bước, bao gồm: Nhận nhiệm vụ thiết kế; làm đề cương khoa học; thiết kế sơ bộ; dựng mô hình; thiết kế kỹ thuật; thí nghiệm từng phần; thiết kế công nghệ; gia công chi tiết và lắp ráp cụm nhóm; tổng lắp và hiệu chỉnh; bước cuối cùng là bay thử.
Về mặt trang bị máy bay TL-1 được thiết kế với các loại máy móc hiện đại trên thế giới hồi đó, sử dụng động cơ cánh quạt IO-470F của hãng Continental, máy liên lạc Wincox-807, thiết bị điện đồng bộ trên máy bay và các phụ tùng chiến lợi phẩm thu được sau giải phóng miền Nam.
Sau 2 năm thiết kế và chế tạo, cuối tháng 8/1980, cả nhóm nghiên cứu đã đưa sản phẩm lên ô tô chở đi bay thử tại sân bay Hòa Lạc. Hai phi công được chọn bay thử đầu tiên là Nguyễn Xuân Hiển và Nguyễn Văn Sửu.
Mọi người đều rất hồi hộp, trên sân bay, cách 200m lại bố trí một cán bộ, kỹ sư đứng để quan sát chuyển động của máy bay. Khi chạy thử trên đường băng, máy bay rung lắc mạnh làm gãy thanh đỡ nên không được phép cất cánh, cả nhóm phải "tìm bệnh" của TL-1.
Cuối cùng đã tìm được nguyên nhân là do chiếc càng dùng không đồng bộ nên gây ra hiện tượng rung lắc mạnh. Sau khi tìm được loại thay thế, máy bay đã hết rung lắc, các thông số ổn định.
Sáng ngày 25/9/1980, TL-1 được phép bay thử. Khi TL-1 vút lên, cả nhóm nghiên cứu ôm chầm lấy nhau mà nước mắt tuôn trào, chuyến bay thử đã thành công với 102 phút trên không, 13 lần cất, hạ cánh.
Máy bay TL-1 có trọng lượng rỗng 830kg, trọng lượng cất cánh tối đa 1.100kg, có thể chở 4 người, sải cánh 9,60m, chiều dài máy bay 6,79m, chiều cao máy bay 3,28m và diện tích cánh 12,48m. TL-1 đã hoàn thành bay thử 2 giai đoạn:
Bay thử khả năng và bay thử tính năng. Một số tính năng mà TL-1 đạt được như: tốc độ bay tối đa 265km/h, tốc độ hạ cánh 98km/h, tốc độ lên thẳng 5m/s và độ cao tối đa 4.500m.
Sau khi bay thử thành công, ngày 5/10/1980, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem và khen ngợi thành tích ban đầu của Viện Kỹ thuật Quân sự Không quân.
Ngày 30/10/1980, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến sân bay Hòa Lạc chứng kiến chuyến bay báo cáo TL-1. Đồng chí Tổng Bí thư khen ngợi thành tích của Viện Kỹ thuật Không quân, sau đó đề tài được Bộ Quốc phòng khen thưởng bậc 10/10.
Gần 40 năm đã trôi qua, những người thực hiện dự án nay đã nghỉ hưu, mỗi khi có dịp tham quan Bảo tàng Phòng không – Không quân, nhìn ngắm lại chiếc máy bay TL-1, nhóm nghiên cứu lại cảm thấy lòng đầy tự hào.
Việc chế tạo thành công máy bay TL-1 đã ghi một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của ngành kỹ thuật hàng không Việt Nam sau này.
Theo Phạm Bá Hòa-Bảo tàng Phòng không – Không quân (Soha/Trí Thức Trẻ)