Trung tâm phân tích thị trường vũ khí thế giới (ЦАМТО) của Nga vừa dự báo trong giai đoạn từ 2017 - 2020, Việt Nam sẽ chỉ chi khoảng 2,33 tỷ USD để nhập khẩu vũ khí Nga.
Cụ thể năm 2017 giải ngân 1,2 tỷ USD, năm 2018 là 320 triệu USD, 2019: 0 triệu USD và 2020 là 800 triệu USD, giảm mạnh so với con số 4,394 tỷ USD của giai đoạn 2013 - 2016.
Đáng chú ý hơn, báo cáo thường niên của ЦАМТО dự báo trong giai đoạn 2017-2020 Việt Nam sẽ chi khoảng 1,5 tỷ USD để mua sắm tiêm kích đa năng và giải ngân đều trong 2 năm 2019 - 2020, mỗi năm khoảng 750 triệu USD.
Năm 2015 thì tạp chí quốc phòng Jane's của Anh đã cho biết chúng ta đang có các cuộc tiếp xúc với họ nhằm nghiên cứu tiêm kích Eurofighter Typhoon.
Việt Nam đang có nhu cầu với một dòng tiêm kích hạng nhẹ hoặc trung bình có giá thành khai thác bảo dưỡng rẻ hơn so với dòng Sukhoi của Nga, do đối tác truyền thống không còn sản phẩm tương tự nên việc chúng ta tìm tới phương Tây là dễ hiểu.
Bên cạnh đó, Jane's còn cho biết Việt Nam có cả các cuộc tiếp xúc với Tập đoàn Saab của Thụy Điển để đánh giá tính năng tiêm kích JAS 39 Gripen cũng như máy bay cảnh báo sớm trên không Saab 340 AWACS.
Tuy nhiên căn cứ vào giá trị mà Việt Nam có thể bỏ ra, nhiều ý kiến cho rằng thực chất chúng ta sẽ hỏi mua tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon do Mỹ sản xuất theo dạng bán trang bị quốc phòng dự thừa rồi nâng cấp lên chuẩn F-16 Block 52 như cách mà Indonesia đã làm.
Với ngân sách 1,5 tỷ USD thì đây là phương án tối ưu cho Việt Nam, có thể nhanh chóng trang bị 2 trung đoàn với tổng cộng 24 máy bay, trong khi nếu mang đi mua sắm tiêm kích mới sản xuất thì chỉ được khoảng 10 chiếc, tính cả chi phí đảm bảo kỹ thuật kèm theo.
Việt Nam thời gian qua cũng đã có nhiều động thái cho thấy thiên về phương án đặt mua F-16 như cử phi công sang Mỹ tập huấn hay đề nghị được nhận lại F-16 theo trường hợp như Indonesia. Đây cũng là điều hợp lý vì F-16 tỏ ra là chiếc chiến đấu cơ hạng nhẹ phù hợp nhất với chúng ta trong giai đoạn hiện nay.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)