Năm 2010, cậu bé 2 tuổi Ardi Rizal sinh sống tại làng Sumatra (Indonesia đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông trên khắp thế giới với thói quen đặc biệt của mình. Theo đó, nếu như ở độ tuổi này, các em bé 2 tuổi mới chỉ đang bập bẹ nói, thích thú với các món đồ chơi thì Rizal lại không thể rời được điếu thuốc lá.
Ở tuổi lên 5, dù vẫn còn mặc bỉm nhưng Ardi Rizal gây bất ngờ khi đã tiêu thụ tới 40 điếu thuốc/ngày, nhiều hơn hầu hết những người trưởng thành có thói quen hút thuốc. Không chỉ thế, cậu bé còn có thói quen uống 3 chai sữa đặc/ngày, khiến thân hình của cậu có phần nặng cân hơn những đứa trẻ cùng lứa.
Chia sẻ về thói quen xấu của con trai mình, bà Diana - mẹ của Rizal từng nói rằng nếu thuốc lá bị lấy đi, Rizal sẽ mất bình tĩnh và thậm chí đập đầu vào tường khiến bà vô cùng sợ hãi.
"Thằng bé phát điên và sẽ bị thương nếu không hút thuốc. Tôi lo lắng con trai mình sẽ chết vì nghiện thuốc lá nên tôi đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính phủ và các chuyên gia, mong có thể giúp thằng bé cai thuốc lá thành công." - bà Diana nói.
Sau khi sự việc về Rizal được đăng tải và thu hút nhiều sự chú ý, quan chức Chính phủ Indonesia đã về ngôi làng nghèo ở Sumatra để đưa cậu bé đến cơ sở cai nghiện thuốc lá. Thậm chí, câu chuyện về Rizal còn khiến các nhà chức trách nước này phải phát động chiến dịch nhằm chấm dứt nạn trẻ em hút thuốc trên phạm vi toàn quốc.
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, Rizal đã bắt đầu bước vào hành trình bỏ được thuốc lá của mình. Mặc dù trong giai đoạn đầu cai thuốc lá, cậu bé liên tục gặp khó khăn khi đối phó với cám dỗ của những điếu thuốc nhưng nhờ phương pháp điều trị nghiêm ngặt, cậu bé đã cai nghiện thành công.
Ở thời điểm hiện tại, sau 14 năm kể từ ngày gây chấn động Indonesia và nhiều quốc gia khác bằng câu chuyện của mình, Rizal đã trở thành một thiếu niên chững chạc 16 tuổi với thành tích học tập tốt khi thường xuyên đạt điểm cao ở trường và mong muốn trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng do vấn đề gia đình nên Rizal đã bỏ học và hiện đang phụ mẹ mình buôn bán ở chợ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến năm 2018, 63% nam giới trưởng thành ở Indonesia có thói quen hút thuốc. Trong đó có nhiều người bắt đầu thói quen hút thuốc từ năm 10 tuổi. Đến năm 18 tuổi, tỷ lệ thanh niên hút thuốc lá lên tới 10%, đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng tại quốc gia này.
Theo Thanh Lê (Phụ Nữ Số)