"Một là ta thề đạp bằng bốn bể, dựng nên nghiệp Hoàng đế; hai là lấy được chị em nàng Kiều ở Giang Đông, đem về Đồng Tước đài để vui tuổi già, thì dẫu chết cũng không tiếc gì đời nữa!".
- Trích "Tam Quốc diễn nghĩa" hồi thứ 44 - La Quán Trung -
Qua lời thề của Tào Tháo trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, có thể thấy chị em Nhị Kiều là những tuyệt sắc giai nhân, không hề thua sút so với Điêu Thuyền hay Chân Mật. Thế nhưng dù là trong tiểu thuyết hay chính sử, Đại Kiều và Tiểu Kiều vẫn chưa bao giờ về tay Tào Tháo. Chỉ tiếc rằng, hậu vận của Nhị Kiều vùng Giang Đông ngoài đời thật lại bi thảm tới mức hậu thế khó có thể tưởng tượng được.
Nhị Kiều của Giang Đông là hai chị em sống tại huyện Hoàn, quận Lư Giang (nay thuộc Tiềm Sơn, An Huy, Trung Quốc). Vùng đất này trước kia thuộc xứ Đông Ngô vào thời kỳ Tam Quốc. Cho tới ngày nay, hậu thế vẫn chưa thể xác định danh tính chính xác của cặp đôi mỹ nhân nức tiếng Giang Đông một thời. Người đời cũng vì vậy mà thường gọi người chị là Đại Kiều, người em là Tiểu Kiều để dễ bề phân biệt.
Trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, Nhị Kiều có thân thế là con gái của Kiều Công – chủ nhân Kiều gia trang nằm ở gần vùng núi của quận Cối Kê, xứ Giang Đông khi đó. Điểm trùng hợp giữa tiểu thuyết và chính sử chính là chi tiết Đại Kiều được gả cho Tôn Sách, còn Tiểu Kiều thì lấy Chu Du. Trượng phu của hai nàng Kiều đều là những nhân vật nổi danh thời bấy giờ và đóng vai trò quan trọng của Đông Ngô.
Cũng theo Tam Quốc diễn nghĩa, sắc đẹp và tài hoa của chị em Nhị Kiều đã được hư cấu để trở thành một trong những nguyên nhân xảy ra trận đại chiến Xích Bích. Bấy giờ, Tào Tháo vốn háo sắc và ngưỡng mộ hai nàng Kiều đã lâu, vì vậy muốn tấn công xứ Giang Đông nhằm chiếm đoạt mỹ nhân về bên mình.
Gia Cát Lượng đã vin vào lý do này nhằm khích tướng Chu Du. Khi danh tướng họ Du hỏi Lượng có bằng cớ gì không, Khổng Minh đã dẫn chứng mấy câu thơ có đề cập tới Nhị Kiều từ trong bài "Đồng Tước đài phú" do con trai Tào Tháo là Tào Thực sáng tác. Mưu khích tướng này của Gia Cát Lượng đã thành công, bởi sau đó Chu Du cùng Tôn Ngô đã quyết định liên Lưu kháng Tào, dẫn đến việc Tào Tháo đại bại trong trận Xích Bích.
Tuy nhiên, đây hoàn toàn là chi tiết được La Quán Trung hư cấu và đưa vào "Tam Quốc diễn nghĩa". Bởi trận Xích Bích xảy ra vào năm 208, trong khi đó bài thơ "Đồng Tước đài phú" tới năm 210 mới được Tào Thực viết.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Đại Kiều và Tiểu Kiều đều có được hai cuộc hôn nhân viên mãn khi gả cho hai bậc hào kiệt nức tiếng đương thời là Tôn Sách, Chu Du. Cũng theo các tình tiết của tác phẩm này, sau khi trượng phu qua đời, cả hai nàng Kiều không về tay Tào Tháo mà cùng nhau ẩn cư và sống nốt phần đời còn lại trong thầm lặng. Thế nhưng trong thực tế lịch sử, cuộc đời của Đại Kiều và Tiểu Kiều vốn không hề có kết cục viên mãn, thậm chí phải trải qua không ít bi kịch.
“Hồng nhan mệnh bạc” ngoài đời thực
Theo nhận định của các tài liệu chính sử, khác với "Tam Quốc diễn nghĩa", hai chị em Nhị Kiều ngoài đời thật vốn không phải là chính thê (vợ cả) của Tôn Sách, Chu Du mà chỉ được họ cưới về như những tiểu thiếp.
Theo đó, vào tháng 12 năm Kiến An thứ tư (năm 199), Tôn Sách hoàn thành mục tiêu công chiếm Lư Giang. Chị em Đại Kiều, Tiểu Kiều khi đó là một trong số những chiến lợi phẩm mà ông có được. Bấy giờ, Tôn Sách nạp Đại Kiều làm thiếp, còn Chu Du thì lấy Tiểu Kiều.
Chỉ vài tháng sau đó, Tôn Sách đã bị ám sát và qua đời khi đương độ tráng niên. Đại cục sau đó được giao lại cho em trai ông là Tôn Quyền dưới sự phò tá của danh tướng Chu Du. Một góa phụ mới ngoài 20 mang thân phận của tiểu thiếp, không có xuất thân, không có chỗ dựa như Đại Kiều rất có thể sẽ phải trải qua cuộc sống chẳng hề dễ dàng.
Về phần Tiểu Kiều, số phận của nàng có phần may mắn hơn chị ruột. Bởi Chu Du qua đời năm 36 tuổi, như vậy Tiểu Kiều có khoảng thời gian 11 năm chung sống cùng trượng phu của mình.
Thế nhưng dẫu sao vị tướng họ Chu ấy cũng qua đời khi đương độ tráng niên, khiến Tiểu Kiều vừa mới ngoài 30 đã phải trở thành góa phụ và buộc phải thủ tiết. Theo Bách khoa toàn thư Trung Quốc, số phận của nàng sau đó cụ thể ra sao, sử sách cũng không ghi chép lại cụ thể. Ngay cả việc 3 người con ruột của Chu Du có ai do Tiểu Kiều thân sinh hay không cũng không có tài liệu chính sử nào khẳng định rõ.
Sau khi Chu Du qua đời, Tôn Quyền rất coi trọng các thành viên trong gia tộc của ông và ra sức chiếu cố họ. Bằng chứng là con gái Chu Du từng suýt có cơ hội lên ngôi Hoàng hậu khi được gả cho Thái tử Tôn Đăng (qua đời năm 33 tuổi, chưa kịp nối ngôi).
Bên cạnh đó, con trai trưởng Chu Tuần cũng được lấy công chúa đương triều. Con trai thứ Chu Dận cũng có mối hôn nhân tốt đẹp với một hoàng nữ trong hoàng tộc Tôn Ngô. Bởi số phận con cái của Chu Du đều rất viên mãn, cho nên hậu vận của Tiểu Kiều có lẽ sẽ may mắn hơn người chị một chút.
Tuy nhiên nếu trong 3 người con này không có ai do Tiểu Kiều thân sinh, chắc chắn nàng sẽ phải sống nốt quãng đời còn lại trong sự tranh đấu và chèn ép từ các thê thiếp khác.
Cho nên dù được xem là may mắn hơn Đại Kiều, thế nhưng hậu vận của Tiểu Kiều có lẽ cũng còn mang rất nhiều ẩn tình khó nói. Chính vì những trớ trêu ấy, các học giả đời sau mỗi khi nhắc tới số phận Nhị Kiều Giang Đông đều không khỏi thở dài cảm thán.
Trong một thời kỳ hỗn loạn như Tam Quốc, vợ lẽ dẫu sao vẫn bị xem là những người có địa vị thấp kém. Ngay cả khi may mắn được gả cho những đại nhân vật thời bấy giờ, thì mối lương duyên muộn màng và thân phận thiếp thất cũng khó có thể đem tới cho Nhị Kiều một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn như hậu thế vẫn hằng tưởng tượng.
(Nguồn tổng hợp)
Theo Froggy (Pháp luật và Bạn đọc)