Tôn Sách (175-200), người Phú Dương, gốc Chiết Giang. Ông là con trai trưởng của Tôn Kiên, anh trai Tôn Quyền. Sau khi Tôn Kiên bị giết chết trong một trận đánh với Kinh Châu thứ sử Lưu Biểu lúc đó Tôn Sách mới 16-17 tuổi. Cha mất, đất đai bị chiếm, Tôn Sách cùng em là Tôn Quyền, lúc đó mới 10 tuổi, và các bộ tướng cũ của cha đầu hàng Viên Thuật, người đã sai Lưu Biểu giết cha mình để tiến về vùng Giang Nam nhằm xây dựng cơ sở quyền lực của mình tại đây.
Với sự giúp đỡ của Trương Chiêu và Chu Du, Tôn Sách đã có thể thiết lập nền tảng cho sự ra đời sau này của nhà nước Đông Ngô, mà tại đó em trai của ông là Tôn Quyền cuối cùng đã xưng hoàng đế. Sau khi Tôn Quyền lên ngôi, đã truy phong cho anh trai mình làm Trường Sa Hoàn vương.
Trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa, Tôn Sách được miêu tả là nhân vật anh dũng hơn người, thậm chí không hề thua kém so với Tây Sở Bá vương Hạng Vũ năm xưa. Cũng bởi vậy mà ông còn có biệt hiệu là Tiểu Bá vương.
Hậu thế đều biết trong trận chiến Hán - Sở tranh hùng khi xưa, Tây Sở Bá vương Hạng Vũ suy cho cùng vẫn là kẻ thất bại. Dù vậy, kết quả bại vong của vị Bá vương năm nào đã trở thành tấm gương, khiến Tiểu Bá vương Tôn Sách càng được xếp vào hàng "khó chơi".
Tôn Sách dùng 3 nghìn lão binh Giang Đông để đánh hạ Giang Đô, gây dựng cơ đồ. Năng lực này so với bất kỳ vị bá chủ nào đều không hề kém cạnh nửa phần.
Nếu Tôn Sách không bị ám sát mà qua đời sớm, lại thêm tứ đại đô đốc dưới trướng Tôn Ngô, rất có thể thế lực này hoàn toàn có thể thống nhất nam bắc.
Về cái chết của Tôn Sách có truyền thuyết kể lại rằng, trong thời kỳ đó Càn Cát là 1 vị đạo sĩ nổi tiếng nhưng bị Tôn Sách xem là yêu đạo. Mặc cho bộ hạ và mẹ mình cầu xin nhưng Tôn Sách vẫn ra lệnh xử tử Càn Cát. Theo Sưu thần ký của Càn Đậu (một tài liệu sưu tập chủ yếu dựa vào các truyền thuyết và tin đồn) thì Tôn Sách bắt đầu nhìn thấy bóng ma của Càn Cát trước cả khi xử tử ông. Sau khi bị thương sau vụ ám sát, các thầy thuốc khuyên Tôn Sách nên nghỉ ngơi cho vết thương mau lành. Tuy nhiên, một ngày ông nhìn vào trong gương lại thấy khuôn mặt của Càn Cát, ông gầm lên và ném cái gương đi. Vết thương của ông vỡ ra và ông chết ngay lập tức. La Quán Trung chấp nhận phiên bản này và nó được tiểu thuyết hóa hơn nữa trong Tam quốc diễn nghĩa, trong đó tên của Càn Cát được đổi thành Vu Cát.
Ngoài ra còn có một số tài liệu ghi lại rằng, sau khi Tôn Sách đánh quanh ngàn dặm, thu hết xứ Giang Đông, nghe tin Tào Tháo và Viên Thiệu cầm giữ nhau ở Quan Độ, muốn vượt sông Giang lên phía bắc đánh úp Tào Tháo, khiến cho lực lượng của Tào Tháo nghe thấy tin đều sợ, nhưng Quách Gia lại dự liệu rằng: “Tôn Sách mới thôn tính Giang Đông, những kẻ sĩ bị Sách giết đều là anh hùng hào kiệt, có thể khiến kẻ khác dốc sức đến chết. Vậy mà Tôn Sách lại coi thường không phòng bị, dẫu có trăm vạn bộ chúng, chẳng khác một mình đi giữa trung nguyên. Ví như có thích khách một mình mai phục, thì là một người đánh một người thôi. Vì thế ta cho rằng, Sách tất sẽ chết bởi tay một kẻ thất phu”.
Không ngoài dự đoán của Quách Gia, khi Tôn Sách đến ven biên, còn chưa sang sông, quả nhiên bị ba bộ hạ cũ của Hứa Cống phục kích trong khi đi săn bắn một mình, khiến ông mất mạng sau đó vì vết thương quá nặng.
Nhận xét về lời tiên đoán của Quách Gia, Bùi Tùng Chi (người chú giải Tam quốc chí) cho rằng Quách Gia dự đoán được Tôn Sách sẽ chết dưới tay kẻ thất phu là tiên kiến sáng suốt, nhưng không hẳn là thượng trí, vì Gia không biết Sách chết vào ngày tháng năm nào. Việc Sách chết vào đúng năm định đánh Hứa Đô chỉ là sự trùng hợp.
Theo nhiều nhà nghiên cứu nhận định, Tôn Sách được đánh giá là thiếu niên hào kiệt, mệnh danh Giang Đông Tiểu Bá vương, một hào kiệt dũng mãnh như vậy không thể nào lại chết dễ dàng như thế được, chính vì vậy xung quanh cái chết của Tôn Sách xuất hiện nhiều giả thiết khác nhau.
Còn tiếp…
Video: Tôn Sách bị ám sát. |
Theo Quốc Tiệp (Nguoiduatin.vn)