Trong Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung mô tả Chu Du khá sát với lịch sử, là người văn võ song toàn và rất trung thành với Tôn Quyền, nhưng do lấy Thục Hán làm chính thống và để câu chuyện thêm phần kịch tính, La Quán Trung đã sáng tác nhiều tình tiết mô tả việc nhân vật Chu Du e ngại Gia Cát Lượng sẽ là mối họa cho Đông Ngô, nên nhiều lần tìm cách mưu hại nhân vật Gia Cát Lượng. Nhưng lần nào ông cũng bị Gia Cát Lượng qua mặt (những tình tiết này hoàn toàn là hư cấu, không có trong sử sách).
Theo sử liệu, Chu Du (175 -210) tên tự là Công Cẩn, ông là danh tướng và khai quốc công thần của Đông Ngô thời Tam quốc. Chu Du sinh ra trong một đại gia tộc có nhiều người làm quan ở huyện Thư, Lư Giang, An Huy ngày nay. Ông nội của ông là Chu Cảnh và chú là Chu Trung đều làm quan thái úy (một trong 9 chức quan thời xưa). Cha của ông là Chu Dị từng làm quan huyện lệnh Lạc Dương. Có thể nói, gia tộc Chu Du là một trong những gia tộc hiển hách trong lịch sử Trung Hoa.
Từ lúc mới 20 tuổi, Chu Du đã cùng Tôn Sách đi chinh chiến khắp Giang Đông, giúp Sách đặt nền móng cho Đông Ngô sau này. Sau khi Tôn Sách chết, ông tiếp tục thống lĩnh quân đội của Tôn Quyền, các trận đánh lớn, nhỏ do ông chỉ huy hầu hết đều đạt được thắng lợi. Việc Chu Du khuyên Tôn Quyền không đưa con về triều làm con tin cũng cho thấy khả năng phân tích tình hình và nhận định chiến lược của ông. Chu Du cũng là người góp công lớn trong chiến thắng của liên quân thắng trận Tôn – Lưu trước Tào Tháo.
Năm 202, Tào Tháo đánh thắng Viên Thiệu, thế lực rất thịnh, hạ chiếu thư yêu cầu Tôn Quyền đưa con vào Hứa Xương làm con tin. Tôn Quyền triệu tập quần thần thương nghị. Trương Chiêu đứng đầu các quan, nhưng lại do dự không quyết. Tôn Quyền bèn dẫn riêng Chu Du đến chỗ mẹ mình để bàn định.
Chu Du phân tích rằng Tôn Quyền nay kế thừa cơ nghiệp cha anh, nắm giữ 6 quận, binh hùng tướng mạnh, quân lương đầy đủ, sản vật giàu có, lòng dân quy phục, có sông nước thuận tiện di chuyển, đủ sức chống bất kỳ kẻ địch nào, chẳng có lý do gì phải gửi con tin để rồi bị lệ thuộc vào Tào Tháo. Ngô thái phu nhân nói: “Lời bàn của Công Cẩn đúng lắm. Công Cẩn cùng với Bá Phù cùng tuổi, nhỏ hơn một tháng, ta coi như con ta, mày phải xem như anh trai vậy”.
Tôn Quyền nghe lời, không đưa con vào triều làm tin. Tào Tháo đang bận bình định Hà Bắc nên cũng chưa thể quan tâm tới miền Nam.
Qua nhiều năm, Tôn Quyền chủ yếu quan tâm đến việc bảo vệ lãnh địa trước sự nhòm ngó của các kẻ thù tiềm năng, nhưng ông cũng dần tìm cách quấy rối và làm suy yếu cấp dưới của Lưu Biểu, Hoàng Tổ (người trấn giữa vùng đất trọng yếu đông bắc của Lưu Biểu) – vì cớ Tổ là người đã giết hại cha ông trong chiến trận. Năm 208, ông cuối cùng đã đánh bại và giết được Hoàng Tổ.
Không lâu sau đó, Lưu Biểu chết giữa lúc Tào Tháo chuẩn bị nam hạ nhằm tiêu diệt hai kẻ thù là Lưu Biểu và Tôn Quyền. Tuy nhiên, lực lượng của Tào Tháo đã bị thất bại trước liên minh Tôn – Lưu trong trận Xích Bích. Sau trận này, về cơ bản thế đứng của ba họ Tào, Tôn và Lưu khá vững, lực lượng khá cân bằng nên Tào Tháo không còn thời cơ nam tiến thuận lợi để thống nhất Trung Hoa như trước nữa. Thế chân vạc dần dần hình thành.
Theo Quốc Tiệp (Nguoiduatin.vn)