Thượng nghị sỹ bang Vermont Bernie Sanders đang chịu sức ép ngày càng lớn phải từ bỏ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sau khi ứng viên Hillary Clinton gần như nắm chắc tấm vé giành đề cử đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống.
Sau cuộc bỏ phiếu “Siêu thứ Ba” ngày 7/6, Hillary Clinton tiến gần hơn đến cơ hội giành đề cử chính thức của đảng Dân chủ. Cụ thể, sau chiến thắng tại 4 trong tổng số 6 bang ngày “Siêu thứ Ba” cuối cùng, bà Hillary giành được 2.203 lá phiếu ủng hộ chắc chắn của đại biểu, sát mốc tối thiếu 2.383 phiếu để được đề cử chính thức. Tuy nhiên, nếu tính cả 574 “siêu đại biểu” những người cam kết sẽ bỏ phiếu cho bà tại đại hội đảng vào tháng 7 tới, số đại biểu ủng hộ bà Hillary hiện là 2.777 người.
Mặc dù bà Hillary gần như chắc chắn sẽ trở thành nữ ứng viên tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, Thượng sỹ nghị Sanders vẫn tuyên bố không từ bỏ cuộc đua, và sẽ chiến đấu đến cùng.
Câu hỏi đặt ra là liệu Thượng sỹ nghị này sẽ trụ thêm được bao lâu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng khi sức ép kêu gọi ông bỏ cuộc ngày càng lớn.
Sau chiến thắng giòn giã của bà Hillary trong ngày Siêu thứ Ba cuối cùng, Tổng thống Barack Obama đã đích thân gọi điện chúc mừng cả hai ứng viên Dân chủ, đồng thời hẹn gặp riêng sỹ nghị Sanders - người mà ông Obama nhiều lần kín đáo khuyên ông Sanders rút khỏi cuộc đua. Sau cuộc gặp này, người đứng đầu Nhà Trắng được cho là sẽ chính thức tuyên bố ủng hộ bà Hillary. Đến khi đó, ông Sanders có thể sẽ không còn lựa chọn nào khác là đối mặt với thực tế.
Các sỹ nghị trong đảng Dân chủ cũng bắt đầu hối thúc ông Sanders từ bỏ cuộc chạy đua với bà Hillary, thay vào đó hỗ trợ cựu Ngoại trưởng đánh bại ứng viên Cộng hòa Donald Trump. Những sỹ nghị vốn trước kia ủng hộ ông Sanders như Thượng sỹ nghị bang Oregon Jeff Merkley hay Đại diện bang Arizona Raul Grijalva, đến nay cũng khuyên nhủ ông rằng đã đến lúc ông nên đứng sau để trợ giúp bà Hillary.
Thượng sỹ nghị bang Florida Bill Nelson, Thượng sỹ nghị Jeanne Shaheen của bang New Hampshire cho rằng ông Sanders nên sớm ngừng chiến dịch tranh cử, trong khi Thượng sỹ Bob Casey nhấn mạnh đảng Dân chủ cần hợp sức lại. Cả những lãnh đạo vốn trung lập như bà Nancy Pelosi - lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện - đến ngày Siêu thứ Ba cuối cùng cũng đã tuyên bố sẽ ủng hộ bà Hillary thay vì ông Sanders.
Về phần mình, ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, ông Sanders nói rằng ông tham gia vào cuộc chạy đua này không vì nhằm mục đích giành chiến thắng mà chỉ đơn giản tạo ra một cuộc cạnh tranh thực sự cho bà Hillary. Dù tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng, ông Sanders được cho là không còn nhiều thời gian để thực hiện cam kết này.
Theo Minh Phương (Dân Trí)