Yêu cầu được đưa ra sau khi công ty chế tạo robot hàng hải của Mỹ Ocean Infinity tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng mới về vị trí của MH370.
Cụ thể, Giám đốc điều hành Ocean Infinity - ông Oliver Plunkett nói với Guardian trong phóng sự đánh dấu 9 năm vụ tai nạn rằng công ty của ông từng tiến hành một cuộc tìm kiếm không thành công vào năm 2018, nhưng giờ đây họ đã thu được bằng chứng mới có thể dẫn đến việc tìm ra xác máy bay.
Mặc dù không chia sẻ chi tiết, nhưng Plunkett cho biết ông hy vọng trong những tuần tới sẽ thuyết phục được chính phủ Malaysia “bật đèn xanh” cho một cuộc tìm kiếm khác và triển khai nó vào cuối năm nay hoặc năm 2024. Đề xuất này cũng đang được ủng hộ bởi Voice370 – nhóm thân nhân của những hành khách trên chuyến bay MH370.
Trong khi đó, một bộ phim tài liệu mới của Netflix có tựa đề “MH370: Chiếc máy bay biến mất” đã khơi dậy sự quan tâm của công chúng đối với vụ mất tích bí ẩn này và làm dấy lên những giả thuyết mới.
Cyndi Hendry, một nhà nghiên cứu tình nguyện tại công ty hình ảnh vệ tinh Tomnod (hiện đã đóng cửa) nói với các nhà làm phim Netflix rằng bà đã tìm thấy thứ trông giống như mảnh vỡ máy bay ở Biển Đông chỉ vài ngày sau khi MH370 biến mất, cách khu vực tìm kiếm hàng nghìn dặm.
Hendry cho biết đã cố gắng liên hệ với các nhà điều tra và Malaysia Airlines để chia sẻ những phát hiện của mình, nhưng bà bị phớt lờ sau khi công ty Inmarsat của Anh công bố dữ liệu cho thấy chiếc máy bay đã bị rơi ở Ấn Độ Dương.
Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích ngày 8/3/2014 khi đang bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Tất cả 239 người trên máy bay đều được coi là đã thiệt mạng, dù xác máy bay MH370 vẫn chưa được tìm thấy.
Khoảng 26 quốc gia đã tham gia vào nỗ lực tìm kiếm xác máy bay trên khu vực rộng hơn 120.000 mét vuông, tiêu tốn 200 triệu USD trong 4 năm, nhưng vẫn chưa mang lại kết quả.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)