Chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn của Trung Quốc trong 20 năm qua luôn đi kèm với việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Giới phân tích đánh giá những tiến bộ trong ngành công nghiệp này là chìa khóa giúp Bắc Kinh tăng cường tiềm lực, phục vụ mục tiêu cạnh tranh với Washington ở khu vực tây Thái Bình Dương trong tương lai, theo Defense News.
Chuyên gia quân sự Mike Yeo cho rằng quân đội Trung Quốc rõ ràng đã có những bước tiến lớn trong tiềm lực quân sự từ đầu thế kỷ 21, dù từng nhiều lần bị cáo buộc ăn cắp công nghệ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Biểu hiện rõ nhất của quá trình này xuất hiện trên biển, nơi hạm đội tàu chiến hải quân Trung Quốc xuất hiện với số lượng ngày càng lớn hơn và ở khoảng cách ngày càng xa bờ biển hơn. Không chỉ tiến hành các cuộc tuần tra trên Biển Hoa Đông, đi vòng quanh đảo Đài Loan, những tàu chiến cỡ lớn của Trung Quốc còn thường xuyên hiện diện ở Biển Đông, thách thức các chiến hạm Mỹ trong khu vực.
Hầu hết tàu chiến hải quân Trung Quốc đều được đóng bởi hai công ty quốc doanh là Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) và Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC). Đây là hai đơn vị chịu trách nhiệm chính trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân của Bắc Kinh.
"Từ năm 2014, Trung Quốc đã hạ thủy số lượng tàu ngầm, tàu chiến, tàu đổ bộ và hậu cần nhiều hơn tổng số chiến hạm trong biên chế hải quân Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Đài Loan và Anh cộng lại", Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) kết luận trong báo cáo công bố hồi đầu năm 2018.
Sau giai đoạn đóng thử nghiệm bước đầu từ thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000, Trung Quốc tới nay đã hoàn thiện thiết kế các tàu chiến cỡ nhỏ và tập trung vào việc chế tạo chúng với tốc độ nhanh chưa từng có. Chỉ trong 10 năm qua, gần 50 tàu hộ vệ hạng nhẹ Type-056 và hơn 20 khinh hạm đa năng Type-054A đã được Bắc Kinh đưa vào biên chế.
Trung Quốc cũng đóng các chiến hạm cỡ lớn, gồm 8 khu trục hạm phòng không Type-052D trong biên chế, 11 tàu khác đang trong giai đoạn chế tạo và thử nghiệm, cùng tổng cộng 6 khu trục hạm hạng nặng Type-055. Mỗi tàu đều mang các hệ thống radar mảng pha tối tân và hàng loạt ống phóng thẳng đứng dùng cho tên lửa diệt hạm, phòng không và tấn công mặt đất.
Ngoài ra, Bắc Kinh đang phát triển chương trình đóng tàu sân bay nội địa dựa trên thiết kế tàu Liêu Ninh và áp dụng những công nghệ mới. Trong khi tàu sân bay nội địa đầu tiên Type-001A được đưa ra biển thử nghiệm, Trung Quốc đã bắt đầu thiết kế hàng không mẫu hạm Type-003 có lượng giãn nước 110.000 tấn, lớn hơn cả siêu tàu sân bay lớp Ford mới nhất của Mỹ.
Ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc cũng có những tiến bộ đáng kể, sau khi đoạn tuyệt phương thức chế tạo dựa trên giấy phép và sao chép trái phép các phi cơ Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Xương sống của không quân Trung Quốc hiện nay là tiêm kích J-10 và các mẫu J-11, J-15, J-16 được phát triển từ dòng Su-27/30 của Nga, nhưng được trang bị hệ thống điện tử và vũ khí nội địa.
Trung Quốc cũng chú trọng đầu tư cho lực lượng máy bay hỗ trợ với vận tải cơ Y-9 và Y-20. Khung thân Y-9 cũng được phát triển thành nền tảng cho các máy bay cảnh báo sớm, chống ngầm và trinh sát.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn đang chật vật với những công nghệ then chốt trên chiến đấu cơ, bất chấp các nỗ lực nhằm khắc phục vấn đề này. Ví dụ điển hình là động cơ cho tiêm kích, khi nước này chưa sản xuất được động cơ phản lực đủ tin cậy và phải dựa vào các sản phẩm mua từ Nga. Tiêm kích J-10, J-15 và vận tải cơ Y-20 vẫn đang sử dụng động cơ nhập khẩu, dù Trung Quốc đã sản xuất hoặc đang phát triển các động cơ phản lực nội địa.
Các tập đoàn quốc phòng Trung Quốc đều thuộc sở hữu nhà nước và đang đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí với thị phần toàn cầu ngày càng tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu của Bắc Kinh hầu hết là những nước đang phát triển, nơi bị hấp dẫn bởi mức giá rẻ và không kèm điều kiện ràng buộc khi mua vũ khí Trung Quốc.
Nỗ lực xâm nhập thị trường uy tín hơn chưa thành công, ngoại trừ những nước không thể mua khí tài phương Tây và phải tìm tới Trung Quốc. Nguyên nhân chính là chất lượng vũ khí bị nghi ngờ, cũng như việc Trung Quốc từ chối xuất khẩu các sản phẩm tối tân.
Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, với mục tiêu được Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra là xây dựng đội quân "đẳng cấp thế giới" vào giữa thế kỷ 21, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục phát ngành công nghiệp quốc phòng để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân đội, nhằm thách thức vị thế của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chuyên gia Yeo nhận định.
Theo Duy Sơn (VnExpress.net)