Thông tin này đã thu hút sự chú ý của các nhà quan sát, vì việc điều động thủy quân lục chiến đến hòn đảo này có thể làm tăng căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, và Viện Mỹ tại Đài Bắc được xem là cơ quan ngoại giao không chính thức của Washington tại đây. Vì chỉ thực hiện các hoạt động không chính thức, tòa nhà Viện Mỹ do phía Đài Loan bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, vào tháng Hai năm nay, tại một hội nghị về chính sách ở Washington, cựu Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) Stephen Young đã đưa ra một tuyên bố bất ngờ. Theo ông, Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho trụ sở mới của AIT và sẽ đưa các lính thủy đánh bộ tới canh gác tại đây. Ông Young cho biết, ở Đài Bắc Mỹ sẽ triển khai đơn vị lính thủy đánh bộ trong thành phần thuỷ quân lục chiến chuyên bảo vệ an ninh cho các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ ở nước ngoài. Theo ông Young, điều này sẽ xác định ý muốn của chính phủ Mỹ thực hiện cam kết với Đài Loan liên quan đến việc bảo vệ an ninh.
Tuyên bố của Stephen Young đã khiến Trung Quố phản ứng ngay lập tức. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh rằng, Trung Quốc luôn phản đối bất kỳ hình thức liên lạc chính thức và quân sự giữa Mỹ và Đài Loan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra bản tuyên bố với nội dung tương tự và bày tỏ hy vọng rằng, Washington sẽ tuân thủ "nguyên tắc một Trung Quốc".
Stephen Young đã đưa ra tuyên bố này khi trụ sở mới của AIT chưa được khánh thành. Lễ khai trương tòa nhà mới đã được tổ chức vào ngày 12 tháng 6, khi đó Thủy quân lục chiến Mỹ chưa hiện diện trên đảo. Buổi lễ có sự tham dự của bà Marie Royce — Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ. Trung Quốc phản đối chuyến thăm của một quan chức Mỹ đến Đài Loan. Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vốn là rất phức tạp do tranh chấp thương mại. Trong bối cảnh này, vấn đề Đài Loan trở nên nhạy cảm hơn và tác động mạnh hơn đến các khía cạnh khác trong mối quan hệ Trung-Mỹ.
Nếu Mỹ triển khai lính thủy đánh bộ tới trụ sở mới của AIT thì bước đi này có thể có hậu quả nghiêm trọng. Đây là ý kiến của ông Yang Xiyu, nhà nghiên cứu về an ninh châu Á –Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh. Trong bài bình luận cho hãng tin Sputnik của Nga chuyên gia Trung Quốc cho biết:
"Nếu điều này thực sự xảy ra, thì chắc chắn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về hai mặt. Thứ nhất, vấn đề Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và dễ bùng nổ nhất trong quan hệ Trung-Mỹ. Bất kỳ hành động bỏ qua nguyên tắc "một Trung Quốc" sẽ là cú đòn đánh vào mối quan hệ song phương. Nếu Thủy quân lục chiến được triển khai tại trụ sở AIT, điều này sẽ làm tăng thêm các yếu tố tiêu cực trong quan hệ giữa CHND Trung Hoa và Mỹ. Thứ hai, quyết định này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Phe ủng hộ li khai ở Đài Loan hàng năm chi rất nhiều tiền để tiến hành các hoạt động tuyên truyền ở nước ngoài, họ khuyến khích Quốc hội Mỹ nâng cấp triệt để quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan. Những nỗ lực của họ dẫn đến việc xuất hiện vấn đề này".
Nếu Mỹ điều lính thủy đánh bộ để canh gác trụ sở AIT thì bước đi này sẽ đấnh dấu việc Mỹ xa rời hình thức quan hệ đã hình thành qua nhiều thập kỷ. Trước đây, cả Mỹ và Đài Loan đã nghiên chỉnh tuân thủ nguyên tắc "mối quan hệ không chính thức". Ngoài ra, sự hiện diện của quân nhân Mỹ trên đảo sẽ có nghĩa là sự hợp tác giữa Đài Bắc và Washington trong lĩnh vực an ninh được nâng cấp và lên cấp độ mới. Nếu nói về các biện pháp đảm bảo an ninh thì Viện Mỹ tại Đài Loan trên thực tế sẽ được đặt ngang hàng với các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ tại các quốc gia mà Washington duy trì quan hệ ngoại giao chính thức.
Tại sao phía Mỹ đề xuất sáng kiến thay đổi gác bảo vệ AIT? Sau đây là ý kiến của ông Yang Xiyu: "Trong bối cảnh mối quan hệ Trung-Mỹ đang xấu đi, Chính quyền Tổng thống Donald Trump, cùng với các lực lượng chính trị khác, tiếp tục sử dụng vấn đề Đài Loan để gây ra những vụ khiêu khích nhỏ. Ngoài việc gửi thủy quân lục chiến, còn có việc một quan chức cấp cao đã tham dự lễ khai trương trụ sở mới của AIT. Với những hành động như vậy, Mỹ không ngừng kích động Trung Quốc, kiểm tra độ kiên nhẫn của Bắc Kinh. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, thì điều này có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc cho tình hình ở Đài Loan. Sự tăng cường hiện diện của Mỹ tại vùng lãnh thổ Đài Loan làm gia tăng nguy cơ can thiệp từ bên ngoài. Trong trường hợp này, chính phủ Trung Quốc sẽ phải sử dụng không chỉ các phương tiện hòa bình để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước".
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc ngày 31.7 đã yêu cầu Washington không cho phép người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh Mỹ trong chuyến đi thăm Belize và Paraguay vào tháng sau. Điều này làm tăng thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington vốn đã xấu đi trong bối cảnh cuộc chiến thương mại.
Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, do đó vùng lãnh thổ này không đủ tư cách quan hệ giữa quốc gia với quốc gia và Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ khả năng có thể sử dụng vũ lực để kiểm soát quốc đảo này.
Trung Quốc thường xuyên gọi Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất giữa họ với Mỹ, và Bắc Kinh luôn phản đối Washington cho các nhà lãnh đạo Đài Loan quá cảnh.
Đài Loan ngày 31.7 thông báo rằng, bà Thái Văn Anh sẽ đi thăm hai đồng minh ngoại giao và sẽ quá cảnh Mỹ ở các chặng đi và về. Đây là thông lệ trong các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Đài Loan tới châu Mỹ Latin. Phía Đài Loan cũng thông báo, bà Thái sẽ quá cảnh ở Los Angeles và Houston mặc dù không cho biết ngày giờ chính xác.
Tại một cuộc họp báo thường ngày ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc đã trình bày lập trường với Washington về các kế hoạch chuyển tuyến.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối Mỹ hoặc các nước khác mà Trung Quốc có quan hệ ngoại giao cho phép lãnh đạo Ðài Loan quá cảnh”, ông Cảnh nói.
Trung Quốc kêu gọi Mỹ "không cho phép lãnh đạo của Đài Loan quá cảnh, và không gửi bất kỳ tín hiệu sai trái nào cho các lực lượng độc lập Đài Loan", theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Đài Loan cáo buộc Trung Quốc sử dụng “ngoại giao đô la” để dụ dỗ các đồng minh của họ, cùng các gói viện trợ hào phóng đầy hứa hẹn, nhưng Trung Quốc luôn phủ nhận những cáo buộc đó.
Chuyến công du vào tháng Tám của bà Thái diễn ra giữa bối cảnh một cuộc chiến thương mại ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ.
Theo Duy Anh (Dân Việt)