Lời mời chào cao hơn mâm cỗ
Số phận của thành phố Idlib có ý nghĩa rất quyết định với kết cục cuối cùng của cuộc chiến tranh ở Syria. Nó ở trong khu vực thuộc diện được "giảm căng thẳng" như thỏa thuận giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ở Astana.
Chính phủ Syria và Iran muốn nhanh chóng mở cuộc tấn công tiêu diệt phiến quân ở nơi đây, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ thì không muốn chiến sự lại bùng phát do lo ngại có làn sóng người tỵ nạn mới tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga cũng muốn duy trì thỏa thuận Astana về khu vực "giảm căng thẳng", nhưng mức độ kiên nhẫn ngày càng giảm vì phiến quân từ đây liên tục tấn công các cơ sở của Nga ở Syria.
Trong cục diện tình hình ấy, Trung Quốc bất ngờ có ý sẵn sàng giúp chính phủ Syria tấn công Idlib hoặc chống khủng bố ở những nơi khác trên lãnh thổ Syria.
Ba câu hỏi được đặt ra ở đây là Trung Quốc thật giả đến đâu với sự ngỏ ý này, ý đồ và mục tiêu của Trung Quốc là gì và tới đây sẽ như thế nào.
Cho đến thời điểm hiện tại, sự ngỏ ý nói trên mới chỉ là phát biểu của đại sứ và tùy viên quốc phòng của Trung Quốc ở Syria. Nó chưa thể được coi là một tuyên cáo chính sách chính thức và đầy đủ. Nó không phải là phát ngôn của lãnh đạo Trung Quốc và chưa được bộ ngoại giao và bộ quốc phòng Trung Quốc khẳng định.
Nhưng vì cả đại sứ lẫn tùy viên quốc phòng Trung Quốc ở Syria không thể quyết định mà chỉ thực thi chính sách, không thể cầm đèn chạy trước ô tô và lại càng không thể hành động hay phát ngôn trái ý Bắc Kinh, nên có thể thấy Trung Quốc có ý này hoặc ít nhất đang suy xét rất nghiêm túc ý này và bắt đầu làm phép thử phản ứng của các đối tác khác và chuẩn bị dư luận.
Phòng xa là thượng sách
Một khi quyết định can thiệp quân sự vào Syria, Trung Quốc không thể manh động như Mỹ mà chắc chắn sẽ phải có đề nghị chính thức của phía chính phủ Syria hoặc trên cơ sở thỏa thuận với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Hiện chưa thấy có những tiền đề ấy. Nhưng dấu hiệu về việc Trung Quốc muốn can dự quân sự vào Syria thì đã có, Syria chỉ là sự khởi đầu và xa hơn nữa là sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc chiến tranh và nội chiến ở thế giới bên ngoài.
Cho tới nay, Trung Quốc chỉ mới tham gia vào một số hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và luôn tránh bị liên luỵ, bị lôi kéo hay bị vạ lây vào các cuộc chiến tranh, nội chiến hay xung đột ở bên ngoài. Trung Quốc đang hướng tới bước ngoặt quyết định mới trong chiến lược và chính sách trên phương diện này.
Mục tiêu của Trung Quốc là gây dựng và gia tăng ảnh hưởng, là tham gia cuộc chơi quyền lực trên phạm vi toàn cầu cả trong lĩnh vực chính trị an ninh thế giới.
Vai trò và ảnh hưởng ấy sẽ giúp Trung Quốc được các đối tác và đối thủ trên thế giới nể trọng và kiêng sợ hơn, từ đó bớt cản trở Trung Quốc thực hiện những ý đồ chiến lược ở khu vực láng giềng xung quanh Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực Biển Đông.
Trung Quốc nhằm trước hết vào khu vực Idlib ở Syria vì cho rằng có những phần tử Hồi giáo Tân Cương tham chiến ở đó và vì vậy rất lo ngại về khả năng những phần tử này có ngày có lúc trở về Tân Cương. Nhìn xa là điều cần thiết và phòng xa là thượng sách.
Ngoài ra cũng còn có thể thấy Trung Quốc đã bắt đầu nhìn ngó vào thời hậu chiến ở Syria, tính cách làm sao để không chỉ chắc chắn được có phần mà còn được lợi nhiều nhất có thể ở đất nước này trong thời hậu chiến.
Nếu thực sự tham gia can thiệp quân sự vào Syria thì chắc sẽ không có chuyện Trung Quốc đưa binh lính sang Syria tham chiến trên bộ, mà có chăng sẽ chỉ là một số đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt, chủ yếu tập trung vào viện trợ và hậu thuẫn quân sự cho chính phủ Syria, cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự, tư vấn và huấn luyện.
Tấn công bằng tên lửa hay dùng máy bay ném bom đối với Trung Quốc hiện chưa khả thi ở Syria - đơn giản vì Trung Quốc không có căn cứ quân sự hay tàu sân bay cần thiết ở khu vực xung quanh Syria.
Trước khi những việc này được triển khai cụ thể, người ta vẫn còn phải đợi tuyên cáo chính thức từ phía Trung Quốc và kết quả đàm phán giữa Trung Quốc với chính phủ các nước Syria, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Theo Đại Sứ Trần Đức Mậu (Soha/Trí Thức Trẻ)