Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật có tên Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng "John S. McCain" 2019 (NDAA), trong đó quy định về "các vấn đề liên quan tới nước ngoài", Sputnik hôm nay đưa tin. NDAA dự kiến sớm được Tổng thống Donald Trump ký duyệt và trở thành luật.
Dự luật yêu cầu Lầu Năm Góc phải báo cáo thường xuyên "về các hoạt động quân sự và đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông", trong bối cảnh Bắc Kinh liên tiếp gây hấn tại vùng biển chiến lược này.
Quốc hội muốn bản báo cáo của Lầu Năm Góc bao gồm các ghi chú về "bất kỳ sự triển khai, hoạt động hoặc việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự đáng kể" tại Biển Đông. Các nhà lập pháp cho biết loạt báo cáo này sẽ được đệ trình lên quốc hội và công khai với dư luận.
"Mỗi báo cáo về hoạt động cải tạo hoặc quân sự hóa đáng kể sẽ gồm cả nội dung và hình ảnh tương ứng", dự luật viết. Quốc hội Mỹ cũng lên án Trung Quốc gay gắt trong nội dung dự luật, cho rằng hoạt động của nước này đang làm mất ổn định an ninh tại các nước đồng minh và đối tác của Washington, thậm chí "đe dọa lợi ích cốt lõi của Mỹ".
Tuy nhiên, Yun Sun, đồng giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson của Mỹ, cho rằng dự luật này muốn chứng tỏ vai trò của Washington tại khu vực, nhưng nước này sẽ không có bất cứ hành động nào nhằm buộc Trung Quốc thay đổi thái độ.
"Việc công bố thông tin mới về quá trình quân sự hóa của Trung Quốc trên các hòn đảo tranh chấp sẽ chứng minh Mỹ đang tiếp tục tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Nhưng cho đến nay, điều này chưa giúp cắt giảm hoạt động của Trung Quốc, nên tôi cho rằng đạo luật sẽ không đạt được mục tiêu", Yun giải thích.
Ngoài dự luật mới, Mỹ gần đây cũng hủy lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) cho tới khi nước này có những động thái tích cực hơn như dừng việc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, rút vũ khí phòng thủ khỏi các đảo trong khu vực.
Sau khi Mỹ hủy lời mời tập trận RIMPAC, Trung Quốc dường như càng gây hấn nhiều hơn trên Biển Đông. Hồi đầu tháng 6, hai oanh tạc cơ B-52 của nước này đã bay qua khu vực cách các đảo nhân tạo do Trung Quốc cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 32 km. Bắc Kinh cũng triển khai tên lửa chống lạm, phòng không đến các đảo này, hoặc cho oanh tạc cơ diễn tập hạ cánh phi pháp ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo Ánh Ngọc (VnExpress.net)