Nhật báo Expressen vừa công bố video được quay bằng phương tiện dưới nước hoạt động từ xa (ROV) vào ngày 17-10. Đoạn video cho thấy những hư hại lớn trên đường ống Nord Stream 1 sau những vụ nổ gây sự cố rò rỉ khí đốt cuối tháng 9.
Đường ống Nord Stream 1 bị xé toạc với vết rách lớn, những tấm kim loại bị xoắn ở độ sâu 80 m dưới biển Baltic. Ít nhất 50 m đường ống bị phá hủy hoặc chôn vùi dưới đáy biển.
Ông Trond Larsen, người điều khiển tàu lặn không người lái của công ty Na Uy Blueye Robotics, nhận định: "Chỉ một lực cực mạnh mới có thể bẻ cong tấm kim loại dày như những gì chúng ta đang thấy". Ông Larsen cho rằng có thể thấy vụ nổ "gây tác động rất lớn với khu vực đáy biển xung quanh đường ống".
Cũng trong ngày 18-10, cảnh sát Copenhagen - Đan Mạch thông báo cuộc điều tra sơ bộ về thiệt hại trên hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ở vùng biển nước này cho thấy đã xảy ra "những vụ nổ mạnh". Cuộc điều tra kỹ lưỡng hơn sẽ do Cảnh sát Copenhagen và Cơ quan An ninh - Tình báo Đan Mạch phụ trách.
Cảnh sát Copenhagen nói với hãng tin Reuters: "Vẫn còn quá sớm để nói về hợp tác điều tra với Thụy Điển và Đức, vì nó phụ thuộc vào một số bên".
Trước đó, các nhà điều tra Đức xác định rằng loạt vụ nổ dọc theo các đường ống dẫn khí đốt quan trọng Nord Stream 1 và Nord Stream 2 chạy từ Nga đến châu Âu có khả năng là do phá hoại. Theo tờ The Wall Street Journal, kết quả này tương tự những phát hiện sơ bộ của các quan chức Thụy Điển.
Các nhà điều tra Đức chưa thể xác định chắc chắn mối liên hệ giữa nghi can phá hoại với bất kỳ tác nhân nào, nhưng một số quan chức Đức nói rằng họ đang làm việc với giả định Nga đứng sau các vụ nổ. Các vụ nổ tạo ra rò rỉ ảnh hưởng đến ba trong số bốn nhánh của Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dưới biển Baltic.
Nga phủ nhận trách nhiệm và nói rằng các vụ nổ là một cuộc tấn công khủng bố nhằm chống lại lợi ích của Nga.
Một cuộc điều tra sơ bộ của Thụy Điển vào đầu tháng này đã kết luận, các vụ nổ diễn ra vào cuối tháng 9 có khả năng là do phá hoại, nhưng cũng không nêu tên thủ phạm.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết ngay sau các cuộc tấn công rằng các rò rỉ là kết quả của sự phá hoại nhưng cũng không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào hoặc nêu tên thủ phạm.
Theo một số quan chức Đức, không có khả năng một tàu ngầm quân sự thực hiện hành động phá hoại, vì nước ở khu vực này tương đối nông và hải quân NATO thường xuyên giám sát tàu ngầm ở đây. Một giả thuyết khác về vụ tấn công là các thiết bị nổ đã được hạ xuống từ một con tàu và sau đó được kích nổ từ xa.
Theo Huệ Bình (Nld.com.vn)