Dữ liệu các chuyến bay cho thấy một máy bay tuần tra và giám sát hàng hải P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ đã bay qua Biển Bắc lúc 0 giờ 3 phút (giờ địa phương) vào ngày 26-9, thời điểm Thụy Điển thông báo về vụ nổ dưới biển ở phía Đông Nam đảo Bornholm trên biển Baltic.
Dữ liệu cho thấy chiếc máy bay đã bay từ Iceland, sau đó đến khoảng 1 giờ (giờ địa phương) nó có đường bay ngoằn ngoèo ở không phận Ba Lan trước khi hướng về phía khu vực đường ống ở biển Baltic.
Dữ liệu của trang Flightradar24 cho thấy máy bay cất cánh và hạ cánh tại bán đảo Reykjanes ở Tây Nam Iceland, nơi có Căn cứ Không quân Keflavik cùng với các cơ sở chứa máy bay P-8A.
Hải quân Mỹ sau đó xác nhận với hãng tin Reuters đó là máy bay Mỹ. Người phát ngôn của Hải quân Mỹ cho biết: "Máy bay P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ đã thực hiện chuyến bay trinh sát hàng hải thường lệ trên biển Baltic, không liên quan đến vụ rò rỉ từ các đường ống Nord Stream".
Khi được hỏi liệu máy bay Mỹ có bất kỳ thông tin tình báo nào thu thập được có thể giúp các nhà điều tra tìm hiểu vụ rò rỉ đường ống hay không, người phát ngôn của Hải quân Mỹ khu vực Âu-Phi, Đại úy Tamara Lawrence, cho biết: "Chúng tôi không có thêm thông tin nào để cung cấp vào lúc này".
Hiện vẫn chưa rõ quân đội Mỹ đang đóng vai trò gì để hỗ trợ các cuộc điều tra của châu Âu về sự cố rò rỉ đường ống dù Tổng thống Joe Biden đã nói về việc sẽ cử thợ lặn đến kiểm tra.
Các chính phủ và quan chức phương Tây cho đến nay vẫn tránh "gọi tên" Moscow dính líu đến vụ việc trong khi Nga bác bỏ mọi cáo buộc liên quan, thay vào đó đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh.
Trong diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh được công bố hôm 7-10, theo đó thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn mới quản lý dự án dầu khí Sakhalin-1.
Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil Corp (Mỹ) là nhà điều hành của Sakhalin-1, một dự án phát triển ở vùng Viễn Đông của Nga. Exxon từ chối bình luận về sắc lệnh nói trên. Tập đoàn Mỹ này đã cố chấm dứt các hoạt động với Nga kể từ tháng 3 sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Vào tháng 4, Exxon đã phải chịu một khoản phí tổn thất 4,6 tỉ USD vì đã rút khỏi các hoạt động tại Nga, để một đối tác khác tiếp quản hoạt động của Sakhalin-1. Exxon cũng giảm khối lượng sản xuất dầu khí và rút nhân sự khỏi Nga.
Vào tháng 7, ông Putin cũng đã ký sắc lệnh về việc nắm toàn quyền kiểm soát Sakhalin-2, một dự án khí đốt và dầu khác ở vùng Viễn Đông của Nga được tạo ra trên cơ sở thỏa thuận chia sẻ sản lượng được ký kết vào những năm 1990.
Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)