Lần cuối cùng một bộ trưởng Ấn Độ thăm Triều Tiên là vào tháng 9.1998. Chuyến đi khi đó do ông Mukhtar Abbas Naqvi, bộ trưởng thông tin và phát thanh đảm nhiệm. Ông Naqvi đã bay đến Bình Nhưỡng để tham dự một liên hoan phim.
Trong khi đó, chuyến thăm Triều Tiên của một quan chức Ấn Độ được đánh giá là lần này đáng chú ý hơn rất nhiều. Bởi người được cử đi là ông VK Singh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ (cấp bậc tương đương Bộ trưởng) kiêm cựu lãnh đạo quân đội Ấn Độ.
Tại Bình Nhưỡng, ông VK Singh đã gặp một loạt các bộ trưởng và quan chức cấp cao Triều Tiên. Trong suốt 2 ngày ở thăm Triều Tiên đầu tuần này, ông VK Singh đã thảo luận với các quan chức ở Bình Nhưỡng về "hợp tác chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa giữa 2 nước trong khu vực".
Điều thú vị là cuộc tiếp cận ngoại giao hiếm hoi này của Ấn Độ xảy ra vài tuần sau khi 2 miền Triều Tiên tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh lịch sử và trong bối cảnh Bình Nhưỡng cùng Washington đang chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử khác giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao Ấn Độ lại chọn thời điểm này để "qua lại" với Triều Tiên? New Delhi muốn tìm kiếm vai trò trong các sự kiện ngoại giao hay đang ra tay giúp đồng minh Mỹ "cứu" hội nghị thượng đỉnh?
Mối quan hệ ít được chú ý
Nhiều người thực sư đã quên rằng, Ấn Độ và Triều Tiên có mối quan hệ ngoại giao đầy đủ trong suốt 45 năm qua. Hai nước duy trì các đại sứ quán ở cả Delhi lẫn Bình Nhưỡng.
Ấn Độ và Triều Tiên cũng có những chương trình trao đổi văn hóa và đã ký kết các hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ. Các nhà ngoại giao Triều Tiên đã tham dự các khóa học dành cho các nhà ngoại giao nước ngoài ở Delhi. Ấn Độ cũng gửi viện trợ lương thực thực phẩm cho Bình Nhưỡng thông qua chương trình của Liên Hợp Quốc. Đáp lại, khi Ấn Độ bị sóng thần tấn công, Triều Tiên cũng đã gửi tới nước bạn 30.000 USD để hỗ trợ.
Các quan chức Triều Tiên cũng thường xuyên thăm viếng Ấn Độ trong những năm qua dù lần cuối cùng một Ngoại trưởng Ấn Độ tới thăm Bình Nhưỡng là từ cách đây 20 năm.
Cụ thể, tháng 4.2015, Ngoại trưởng Triều Tiên đã đến thăm Delhi và gặp người đồng cấp Ấn Độ để tìm kiếm sự trợ giúp nhân đạo. Tháng 9 năm sau, một Bộ trưởng Ấn Độ đã tới Đại sứ quán Triều Tiên ở Delhi để chúc mừng ngày Quốc khánh nước này.
Năm 2013, Ấn Độ có thể chính là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Triều Tiên sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu hóa chất công nghiệp, dầu thô và các sản phẩm nông nghiệp cho Triều Tiên đồng thời nhập khẩu trái cây khô, kẹo cao su tự nhiên và asafoetida (A ngùy - loại gia vị cổ, có lợi ích như là một loại thực phẩm chức năng hỗ trợ chữa nhiều bệnh cho người).
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa 2 nước giảm xuống chỉ còn khoảng 130 triệu USD vào năm 2017 sau khi Ấn Độ cấm hầu hệt mọi giao dịch với Triều Tiên theo khuôn khổ các lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt vì các vụ thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên năm ngoái. Trước đó, kim ngạch song phương 2 nước đạt hơn 200 triệu USD năm 2014.
"Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia Triều Tiên duy trì quan hệ ngoại giao. Đối với Triều Tiên, Ấn Độ là một cánh cửa sổ quan trọng hướng ra thế giới. Hai nước có mối quan hệ ít nhưng lâu dài", ông Prashant Kumar Sing, chuyên gia Viện Nghiên cứu Phân tích và Quốc phòng ở Delhi nhấn mạnh.
Bình luận về chuyến đi của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ VK Singh tới Bình Nhưỡng, chuyên gia này suy đoán rằng, có thể người Mỹ đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Ấn Độ để cứu hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên. Bình Nhưỡng mới đây đã đe dọa sẽ rút khỏi cuộc họp thượng đỉnh với Mỹ nếu Washington cố dồn ép họ từ bỏ vũ khí hạt nhân đơn phương.
"Ấn Độ là quốc gia lớn duy nhất trong khu vực không liên quan đến vấn đề Triều Tiên nhưng có quan hệ tốt với Bình Nhưỡng. Ông Trump không muốn lỡ cuộc họp thượng đỉnh với Triều Tiên. Có lẽ người Mỹ đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Ấn Độ để cứu hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên", ông VK Singh chia sẻ.
Theo Phương Đăng (Dân Việt)