Hôm qua 16-5, Triều Tiên đã phát hai thông cáo: Một là lên án cuộc tập trận "Max Thunder" (Thần Sấm) của Mỹ - Hàn đang diễn ra và hủy một cuộc đối thoại cấp cao đã lên lịch từ trước với Hàn Quốc, thứ hai là dọa rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thông cáo thứ hai, dẫn phát ngôn của một nhà ngoại giao cấp cao Triều Tiên, đã dùng từ ngữ nặng nề. Nội dung thông cáo này đã giúp lý giải tại sao Triều Tiên lại có các phát ngôn bất ngờ khiến giới chức Mỹ-Hàn phải "chết đứng" như vậy.
Chính xác thì thông cáo của Triều Tiên nói gì?
Sau đây là bản dịch toàn văn thông cáo báo chí thứ hai của Thứ trưởng thứ nhất Bộ ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải:
"Ngài Kim Jong Un, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước CHDCND Triều Tiên, đã đưa ra một quyết định mang tính chiến lược nhằm chấm dứt lịch sử không mấy dễ chịu của quan hệ Triều - Mỹ và đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Pompeo 2 lần trong suốt chuyến thăm của ông ấy tại đất nước chúng tôi. Ông Kim đã có những bước đi rộng rãi và vô cùng quan trọng hướng tới hòa bình và ổn định cho bán đảo Triều Tiên và thế giới.
Đáp lại tấm lòng cao thượng của Chủ tịch Kim Jong Un, Tổng thống Trump đã tuyến bố quan điểm của ông về việc chấm dứt sự thù địch ăn sâu bắt rễ từ trong lịch sử và cải thiện quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ. Tôi cảm kích thái độ tích cực đó, với hy vọng thượng đỉnh Triều - Mỹ sắp tới sẽ là một bước tiến lớn giúp lắng dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng một tương lai tốt đẹp.
Nhưng lúc này đây, ngay trước thượng đỉnh Triều - Mỹ, các bình luận buông thả khiêu khích bên còn lại của cuộc đối thoại đang được đưa ra một cách táo bạo tại Mỹ, và tôi hoàn toàn thất vọng khi các bình luận này cho thấy một cách hành xử vô cùng thiếu đúng đắn.
Các quan chức cấp cao bên trong Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đang quyết đoán về cái gọi là mô hình từ bỏ hạt nhân Libya, theo đó 'phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược', hay 'từ bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học, tên lửa, vũ khí sinh hóa', v.v…trong khi luôn miệng nói về phương thức 'từ bỏ vũ khí hạt nhân trước và đền bù sau'.
Đây không phải là biểu hiện cho thấy ý định giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Về cơ bản, nó lộ rõ một động thái vô cùng nham hiểm nhằm áp đặt số phận của Libya hay Iraq, những quốc gia đã sụp đổ vì giao phó toàn bộ quốc gia của họ cho các cường quốc lớn định đoạt, lên quốc gia chúng tôi.
Tôi không thể nén lại sự phẫn nộ đối với các động thái như vậy của Mỹ, và hiện mang nghi ngờ về sự thành thật của Mỹ đối với việc cải thiện quan hệ Triều - Mỹ thông qua đối thoại và đàm phán.
Thế giới biết rất rõ rằng quốc gia của chúng tôi không phải là Libya hay Iraq, những nước đã chịu số phận đáng thương. Hoàn toàn vô lý khi dám so sánh CHDCND Triều Tiên, một quốc gia đã sở hữu vũ khí hạt nhân, với Libya, một quốc gia chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển hạt nhân.
Chúng tôi đã hiểu rõ về con người của ông Bolton và chúng tôi không giấu được mối ác cảm của chúng tôi đối với ông ấy.
Nếu chính quyền ông Trump không xem lại những bài học rút ra từ quá khứ thì các cuộc đối thoại Triều - Mỹ sẽ phải trải qua sự quằn quại và thoái trào vì những người như ông Bolton và vì việc hướng lỗ tai vào lời khuyên của 'những nhà ái quốc' tương tự - những người khăng khăng thực hiện mô hình Libya và các mô hình tương tự. Đồng thời, viễn cảnh về thượng đỉnh Triều - Mỹ cùng quan hệ Triều-Mỹ nói chung sẽ dễ dàng thấy rõ.
Chúng tôi đã công bố ý định phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và làm rõ trong một số dịp rằng điều kiện tiên quyết để phi hạt nhân hóa là Mỹ phải chấm dứt chính sách thù địch, hăm dọa hạt nhân chống lại CHDCND Triều Tiên.
Nhưng ngay bây giờ, Mỹ đang sai lầm khi đánh giá hành động cao thượng và các sáng kiến cởi mở của CHDCND Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối, đồng thời cố gắng thêm thắt và la làng như thể các động thái của Triều Tiên là kết quả của các gói trừng phạt và áp lực của Mỹ.
Mỹ đang bô bô rằng nước này sẽ cho chúng tôi những đền bù về kinh tế nếu chúng tôi từ bỏ hạt nhân. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ có bất kỳ sự trông mông về việc Mỹ sẽ hỗ trợ tái thiết kinh tế của chúng tôi, đồng thời chúng tôi cũng sẽ không thực hiện một thỏa thuận như vậy trong tương lai.
Đó sẽ là một bộ phim hài lố bịch nếu chính quyền ông Trump - vốn tuyên bố sẽ đi theo một con đường khác với các chính quyền tiền nhiệm - bấu víu chính sách Triều Tiên lỗi thời - một chính sách mà các chính quyền tiền nhiệm Mỹ theo đuổi vào thời điểm CHDCND Triều Tiên đang trong quá trình phát triển hạt nhân.
Nếu Tổng thống Trump đi theo vết xe đổ của những người tiền nhiệm, ông ấy sẽ được ghi nhận lại như là một vị tổng thống thất bại và bi thảm hơn các tổng thống trước đây. Điều này đi ngược lại tham vọng ban đầu của ông ấy về việc có được những thành công chưa từng thấy.
Nếu chính quyền ông Trump tiếp cận thượng đỉnh Triều - Mỹ bằng sự chân thành để cải thiện quan hệ Triều - Mỹ, họ sẽ nhận sự hồi đáp thích đáng từ chúng tôi. Tuy nhiên, nếu Mỹ dồn chúng tôi vào chân tường để mà buộc chúng tôi từ bỏ hạt nhân đơn phương, chúng tôi sẽ không còn hứng thú với các cuộc đối thoại như vậy và không thể nào không tái xem xét thượng đỉnh Triều - Mỹ".
Lùi 1 bước, tiến 3 bước
Rõ ràng một "mùa xuân" đang lan tỏa trên bán đảo Triều Tiên và bất cứ ai - Mỹ, Hàn Quốc, giới quan sát… - cũng đang hy vọng đó là một "mùa xuân" trọn vẹn, ít nhất là ngoài mặt. Tuyên bố bất ngờ của Triều Tiên như một "quả bom" ném vào bầu không khí tốt đẹp đó. Tuy nhiên, đây là một bước đi khôn ngoan của Triều Tiên!
Trước hết, thông cáo này giải thích được việc Triều Tiên có động thái bất ngờ như vậy là có lý do. Đài BBC chỉ rõ: "Triều Tiên đã dọa rút khỏi thượng đỉnh sắp tới với Mỹ, sau khi cố vấn quốc gia John Bolton đề cập tới chữ cái L - tức Libya". Do đó, Mỹ không thể đổ lỗi đây là một hành động bột phát, "vô duyên vô cớ", để mà có các động thái gây bất lợi cho Bình Nhưỡng.
Thứ hai, thông cáo này cho thấy Triều Tiên không muốn thế thượng phong nghiêng về phía Mỹ trong cuộc gặp sắp tới. Triều Tiên khẳng định nước này bước vào cuộc gặp không phải là vì "yếu đuối" do chịu áp lực các kiểu từ Mỹ.
Theo giáo sư Stephan Haggard - một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học California San Diego, có thể ông Kim đang "nắn gân" chính quyền ông Trump để xem liệu Triều Tiên sẽ được một số nhượng bộ nào hay không.
Thứ ba, thông cáo cho thấy rõ ràng Triều Tiên không muốn từ bỏ thượng đỉnh Mỹ - Triều. Việc đề cập tới chính sách của ông Trump và các tổng thống Mỹ tiền nhiệm cho thấy Bình Nhưỡng đang cố thúc ông Trump không từ bỏ cơ hội để có được "thành công chưa từng thấy".
Giới chức Mỹ chắc hẳn sẽ biết được Bình Nhưỡng đang rất thiện chí, và ông Trump khó lòng chối từ. Thật vậy, theo Đài CNN, ngay trong ngày 16-5 (giờ Mỹ), Nhà Trắng đã ra tuyên bố đính chính tuyên bố của ông Bolton. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói rằng Mỹ không áp dụng một mô hình Libya như ông Bolton nói, mà "đây là mô hình Tổng thống Trump".
Cuối cùng, theo tờ Time, cần nhớ rằng ông Kim trước đây từng tuyên bố các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục bất chấp tập trận Mỹ - Hàn diễn ra. Tuy nhiên, việc Triều Tiên bất ngờ lên án cuộc tập trận "Max Thunder" có thể là để "dằn mặt" Washington.
Nếu diễn giải tuyên bố của ông Gwan, thì rõ ràng Washington đang yêu cầu quá nhiều, trong khi Bình Nhưỡng thậm chí chưa đề xuất gì về cái gọi là "quà đổi quà" (bỏ hạt nhân - nhận đền bù) như Washington tuyên bố.
Cái mà Triều Tiên cần nhất hiện nay là cam kết đảm bảo an ninh từ Mỹ. Và đó là "món quà" ý nghĩa nhất mà Mỹ cần nghiêm túc trao cho Triều Tiên.
Theo Bình An (Tuổi Trẻ)