"Trump - Biden: Nước Mỹ đang tự xé nát mình", tiêu đề một bài viết trang nhất của báo Pháp Le Monde về cuộc bầu cử Mỹ.
"Chuyện quái gì đang xảy ra ở Mỹ vậy?", Marina Hyde, một nhà bình luận của trang báo Anh Guardian, viết. Cô sau đó tự trả lời câu hỏi của chính mình rằng "Không có gì là không thể, ngoại trừ sự lạc quan".
Ứng viên Dân chủ Joe Biden chiều 4/11 dự đoán "chúng tôi sẽ là những người chiến thắng", nhưng không đưa ra tuyên bố sớm về kết quả bầu cử năm nay. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố thách thức pháp lý về điều mà ông mô tả là gian lận bỏ biếu của đảng Dân chủ.
Tại Australia và Indonesia, các đám đông vây kín quanh màn hình tivi tại quán cà phê, hồi hộp theo dõi bản đồ bầu cử Mỹ chuyển xanh, đỏ ở các bang. Tại Iran, hagtag #Bầu cử Mỹ trở thành xu hướng trên mạng Twitter ở quốc gia này, trong khi thông tin bầu cử Mỹ cũng "chiếm sóng" trên đài truyền hình Fuji, Nhật Bản.
Trên khắp thế giới, kết quả kiểm phiếu được công bố nhỏ giọt ở các bang nước Mỹ đã tạo nên một "bộ phim" kịch tính và đầy bất ngờ cần theo dõi. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng của cuộc bầu tổng thống Mỹ đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia và lan tới mọi ngõ ngách của thế giới.
"Nó giống như các trận chung kết World Cup vậy", Faisal Karim, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Binus, Indonesia, nói.
Với nhiều người, cuộc bầu cử là cơ hội để chứng kiến thất bại được kỳ vọng của Tổng thống Trump, người đã gây rạn nứt các liên minh, phát động chiến tranh thương mại và khiến nhiều lãnh đạo thế giới phật lòng. Sau 4 năm nhiều biến động với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Trump, phần lớn thế giới hy vọng nước Mỹ sẽ quay lại vai trò quốc tế truyền thống như cam kết của Biden.
Đối với những quốc gia được hưởng lợi từ nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ, viễn cảnh Biden trở thành tổng thống làm dấy lên nhiều cảm xúc mâu thuẫn. Tại Israel, nơi Thủ tướng Benjamin Netanyahu có mối quan hệ thân thiết với Trump, các nhà bình luận cánh hữu đã nắm lấy cơ hội để chỉ trích truyền thông Mỹ biết trước kết quả thông qua các khảo sát với lợi thế rõ ràng cho Biden.
"Khoảng cách giữa những điều họ nói và những gì xảy ra không quá lớn để tin rằng họ không biết trước nó", Shimon Riklin, đồng minh của ông Netanyahu, viết trên Twitter. "Chúng tôi đã dự đoán về những tin tức giả có tổ chức và lớn nhất trong lịch sử này".
Nhiều người khác không muốn gì hơn ngoài kết quả bầu cử sớm, nhưng thay vào đó là sự thiếu chắc chắn và phẫn nộ. Đầu tiên do quy trình bầu cử tổng thống Mỹ phức tạp và sau đó là việc phải chờ đợi hàng giờ để các bang tiến hành kiểm phiếu, trước khi kết quả được hiển thị trên các biểu đồ và bản đồ bầu cử của truyền thông Mỹ.
Khi Tổng thống Mỹ xuất hiện ở Nhà Trắng lúc 2h sáng 4/11 và tuyên bố chiến thắng, đồng thời cảnh báo sẽ yêu cầu Tòa án Tối cao ra phán quyết dừng kiểm phiếu bầu còn lại, lo lắng càng gia tăng.
"Donald Trump đang đùa với lửa trong bối cảnh vốn đã khá căng thẳng", Le Monde viết.
"Tuyên bố của Tổng thống Trump sẽ khiến bất kỳ ai tin vào nền dân chủ lo ngại", Michael Fullilove, giám đốc điều hành Viện Lowy, trung tâm nghiên cứu ở Sydney, Australia, nói. "Một cuộc bầu cử tranh cãi có thể là kết quả tệ nhất xảy ra ở Mỹ. Covid đã khiến Mỹ không khỏe. Giờ họ có vẻ đang sốt và mất phương hướng".
Tại Nam Phi, nơi nhiều khảo sát cho thấy Biden nhận được nhiều ủng hộ hơn Trump, nhiều người dùng mạng xã hội lưu ý về nền tảng ủng hộ lớn của Trump ở Mỹ.
"Dù ai thắng, nước Mỹ vẫn là dân tộc rất chia rẽ", James Bernstein, nhà phân tích rủi ro tài chính, viết trên Twitter. "Trump, dù có nhiều điểm không tốt và giữa lúc đại dịch hoành hành, vẫn có thể giành được 50% ủng hộ từ người Mỹ. Điều này nói lên rất nhiều".
Tại châu Á, nhiều báo Hàn Quốc đã cập nhật liên tục về kiểm phiếu của Mỹ theo thời gian thực trên các trang web của mình, trong khi các kênh truyền hình cáp cũng đưa tin liên tục, khiến đây trở thành cuộc bầu cử Mỹ được theo dõi sát sao nhất ở quốc gia này trong nhiều năm trở lại đây.
Tại Ấn Độ, quê hương của ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris, nhiều người thậm chí dành cả ngày theo dõi các cập nhật liên tục về bầu cử Mỹ trên truyền hình, đặc biệt ở ngôi làng Thulasendrapuram thuộc bang Tamil Nadu, nơi ông ngoại của bà Harris sinh ra cách đây hơn 100 năm.
"Thông thường chúng tôi không theo dõi bầu cử Mỹ", Pradeep, chủ một khách sạn nhỏ trong vùng, nói. "Nhưng lần này chúng tôi đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử, như thể đó là cuộc bầu cử của chính chúng tôi".
Tại Trung Quốc, các phương tiện truyền thông nhà nước liên tục nhấn mạnh nguy cơ xảy ra bạo loạn hoặc bạo lực liên quan tới bầu cử ở Mỹ. CCTV đã đưa hình ảnh cảnh sát hiện diện dày đặc ở Washington và nhóm người biểu tình xô đẩy nhau gần Nhà Trắng, trong khi phần lớn biểu tình đêm bầu cử đều là ôn hòa.
Nhiều quốc gia khác hy vọng cuộc bầu cử sẽ mang tới thay đổi trong quan hệ của Mỹ với thế giới. Tại Indonesia, một số nhà phân tích cho rằng chiến thắng của Biden sẽ xoa dịu cách tiếp cận của Mỹ đối với thế giới Hồi giáo hiện nay, trong khi tại Iran, quốc gia có nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề bởi lệnh trừng phạt của Trump, không ít người cho rằng bầu cử Mỹ sẽ tác động tới người dân nước này nhiều hơn với chính người Mỹ.
"Khẩu hiệu cho cuộc cách mạng 'không thân phương Tây, không thân phương Đông'", Ebrahim Alinia, người kinh doanh bất động sản, viết trên Twitter. "Nhưng sau 41 năm, chúng tôi đang tìm kiếm một cuộc bầu cử Mỹ để cứu nền kinh tế của mình".
Tại Afghanistan, nơi Trump tuyên bố rút lính Mỹ theo thỏa thuận với Taliban, một số người hy vọng Biden sẽ chiến thắng. Rất nhiều người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, cho rằng Tổng thống Mỹ đã bỏ rơi họ.
"Chúng tôi lo lắng sẽ mất đi những gì có được trong hai thập kỷ qua", Marzia Rustami, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, nói và bay tỏ hy vọng nếu Trump thua, "người Afghanistan sẽ được quan tâm nhiều hơn".
Tại Brazil, nơi Tổng thống Jair Bolsonaro là đồng minh của Trump, nhiều nhà phê bình đặt cược hy vọng vào Biden, giúp thay đổi chính sách của Trump. "Thay đổi trong chính sách của Mỹ có thể giúp trì hoãn và thậm chí đảo ngược nguy cơ biến thành sa mạc của rừng nhiệt đới Amazon", Natalie Unterstell, nhà hoạt động vì môi trường, viết trên Twitter.
Tổng thống Bolsonaro, người lo sợ nhiệm kỳ tổng thống của Biden sẽ tìm cách kiềm chế phát triển của khu vực Amazon, đã bày tỏ ủng hộ Trump trong cuộc kiểm phiếu ở Mỹ ngày 4/11. "Tôi hy vọng ông ấy tái đắc cử", ông nói với người ủng hộ ngoài dinh tổng thống.
Bầu cử Mỹ ngày càng trở nên gay cấn và được quan tâm theo dõi khi chỉ còn 5 bang ở Mỹ chưa công bố kết quả kiểm phiếu. Thậm chí Alexei A. Navalny, lãnh đạo đối lập Nga, người từng suýt chết vì nghi bị đầu độc, cũng không thể bỏ qua cuộc bầu cử Mỹ.
"Thức dậy và lướt Twitter để xem ai đã thắng. Nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng. Đây chính là điều mà tôi gọi là bầu cử", ông viết trên Twitter hôm 4/11.
Theo Thanh Tâm (VnExpress.net)