Bảo tàng Mỹ phát hiện 'gương ma thuật' bí ẩn được chế tác từ thế kỷ 16

26/07/2022 08:32:27

Một chiếc gương Trung Quốc trước đây từng được cho là không mấy nổi bật ở một bảo tàng Mỹ thực chất là một cổ vật hiếm có đầy bí ẩn.

Bảo tàng Mỹ phát hiện 'gương ma thuật' bí ẩn được chế tác từ thế kỷ 16
Ánh sáng phản chiếu trên "gương ma thuật" tạo ra hình ảnh một vị Phật (Ảnh: Rob Deslongchamps/SCMP)

Tiến sĩ Sung Hou-mei, giám tuyển Nghệ thuật Đông Á của Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati phát hiện ra chiếc gương cổ khi đang nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật mà bảo tàng ở bang Ohio này thu thập từ năm 1961.

Bà Sung chú ý tới chiếc gương do có tên của Phật A Di Đà ở mặt sau. Bà đã kiểm tra một giả thuyết bằng cách đề nghị nhóm nghiên cứu chiếu sáng vào giữa chiếc gương. Thứ mà bà phát hiện thật đáng kinh ngạc: khi ánh sáng phản chiếu trên chiếc gương, nó thể hiện hình ảnh Phật A Di Đà, xung quanh là những tia sáng.

"Gương ma thuật của Phật giáo được thiết kế để mang lại hy vọng và sự cứu rỗi, vì vậy tôi cho rằng phát hiện này là may mắn tốt lành cho viện bảo tàng và cho thành phố của chúng tôi," tiến sĩ Sung nói.

"Tôi đã thử kiểm chứng giả thuyết trên chiếc gương này, bởi qua nghiên cứu, tôi đã tìm thấy một ví dụ khác của gương ma thuật Phật giáo," bà nói thêm.

Gương ma thuật dạng này lần đầu được chế tác ở Trung Quốc vào thời nhà Hán, và cũng là cổ vật đáng chú ý của thời kỳ Edo ở Nhật Bản.

Do rất khó chế tác, gương ma thuật được cho là rất hiếm. Bảo tàng Thượng Hải có nhiều gương từ thời nhà Hán, nhưng hiện giới khoa học chỉ biết tới hai chiếc gương ma thuật khác có hình ảnh Phật giáo, đều từ Nhật Bản. Một chiếc gương dạng này hiện đang trưng bài ở Bảo tàng Quốc gia Tokyo, chiếc còn lại trưng bài ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở thành phố New York (Mỹ).

Theo một bài báo của UNESCO, gương ma thuật được chế tác từ đồng, với những khiếm khuyết có chủ ý được thực hiện thông qua kỹ thuật mài và tạo xước công phu. Những khuyết điểm này phản chiếu ánh sáng ở những điểm nhất định, tạo ra hình ảnh như ý muốn.

"Gương ma thuật rất hiếm vì rất khó chế tác," tiến sĩ Sung cho biết.

Bà nói thêm rằng chiếc gương có lẽ được sử dụng với mục đích tôn giáo và liên quan tới tín ngưỡng A Di Đà của Phật giáo phái Jodo ở Nhật Bản.

Hà An (Nguoiduatin.vn)