Chiếc hộp mới được phát hiện và khai quật từ một hố hiến tế hôm 14/06, là phát hiện mới nhất ở di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Khu vực này từng ghi nhận nhiều phát hiện khảo cổ đáng chú ý trong những năm gần đây, theo SCMP.
Chiếc hộp làm bằng đồng đỏ đúc, với bốn con rồng được chạm khắc ở các góc. Một viên ngọc bích được đặt trong chiếc hộp "với cơ chế tinh xảo", hầu như còn nguyên vẹn dù hộp đã rỉ sét vài chỗ, theo truyền thông Trung Quốc.
Giáo sư khảo cổ Li Haichao thuộc Đại học Tứ Xuyên cho biết phát hiện này ban đầu khiến ông "bị sốc".
"Bảo vật này nằm ngoài tri thức hiện có," Tân Hoa Xã dẫn lời giáo sư Li.
Chiếc hộp "có hành dáng độc đáo, được chế tác tinh xảo và thiết kế rất khéo léo. Có thể cho rằng người cổ đại rất quý trọng chiếc hộp," Li nói thêm.
Nhóm khảo cổ cũng tìm thấy một số thỏi vàng nhỏ khi lau chùi chiếc hộp, dự kiến sẽ được mở ra vào 16/06. Tuy vậy, giới khoa học chú ý hơn tới viên ngọc bích, hy vọng rằng nó sẽ mang đến những manh mối mới về nền văn minh cổ đại gắn liền với nó.
Từ khi di chỉ Tam Tinh Đôi được khai quật vào thập niên 1980, lượng cổ vật rất lớn được phát hiện tại đây cho thấy đã từng có một nền văn minh thịnh vượng về kinh tế và đạt được những thành tựu kỹ thuật đáng kể.
Tại các hố hiến tế, giới khảo cổ phát hiện nhiều đồ vật bằng đồng được chế tác rất tinh xảo, trong đó có "cây sự sống" cao gần 4m, nhiều mặt nạ bằng vàng và một số "phiến" đồng mỏng như giấy in.
Tuy vậy, vương quốc Cổ Thục được cho là từng xuất hiện tại khu vực này cách đây hơn 3.000 năm không để lại ghi chép lịch sử nào, khiến giới nghiên cứu phải phán đoán về niềm tin và tập tục liên quan tới các cổ vật được phát hiện.
Lei Yu, giám tuyển Bảo tàng Tam Tinh Đôi, cho biết nhóm khảo cổ hy vọng sẽ phát hiện chữ viết trên viên ngọc bích.
Trước khi lấy chiếc hộp ra từ hố khảo cổ, các nhà nghiên cứu phát hiện một số mảnh lụa, Lei nói. Những mảnh lụa này có thể mang theo chữ viết, ngoài ra Lei cũng hy vọng viên ngọc bích được khắc chữ.
"Chúng tôi chỉ có thể sử dụng các công cụ thể phát hiện các nét chữ. Thông tin sẽ rất vụn vặt, nhưng tôi tin ở đó có chữ viết," Lei nói thêm.
Trước đây, một số cổ vật được phát hiện ở Tam Tinh Đôi có khắc các biểu tượng, nhưng không phải là ngôn ngữ. Hàng ngàn cổ vật bằng ngọc bích cũng đã được phát hiện tại di chỉ khảo cổ này. Phần lớn các cổ vật này dường như được chế tác bằng ngọc lấy từ mỏ đá ở cách đó khoảng 40km.
Tuy vậy, đây là lần đầu tiên giới khảo cổ Trung Quốc phát hiện một chiếc hộp báu đựng ngọc bích. Li tin rằng có những lý do quan trọng để người cổ đại làm như vậy.
"Dường như có những mối liên hệ với thế giới tâm linh," Li nói trong cuộc phỏng vấn với đài CCTV.
Nền văn minh ở Tam Tinh Đôi tồn tại song song với triều đại nhà Thương của Trung Quốc. Tuy vậy, nhà Thương để lại lượng lớn giáp cốt, cổ vật bằng đồng và ngọc bích khắc chữ, sau này trở thành chữ Trung Quốc được sử dụng ngày nay, theo SCMP.
Trong đợt khai quật mới nhất, các nhà khảo cổ phát hiện một số cổ vật cho thấy dường như đã có sự trao đổi văn hóa giữa hai nền văn minh kể trên, chẳng hạn tượng đồng khắc họa một người đàn ông đội một chiếc bình thường được tìm thấy ở lưu vực sông Hoàng Hà, khu vực trung tâm của nhà Thương.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng vương quốc Cổ Thục có những mối liên hệ mật thiết hơn với các xã hội ở Đông Nam Á và Ấn Độ.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)