Tôi muốn ly hôn nhưng chồng cứ dọa giết

24/04/2018 09:50:51

Tôi buồn và đau khổ, đòi ly hôn nhưng anh hăm dọa là sẽ giết tôi tại tòa án.

Tôi 57 tuổi, chồng 59. Chúng tôi lấy nhau lúc tôi 19 tuổi do 2 gia đình sắp đặt. Lúc đó anh không nghề nghiệp gì, chỉ đi đàn hát theo đám cưới và mỗi khi có gánh hát về. Vì ba mẹ sợ ở chung anh sẽ ỷ lại nên cho chúng tôi ra riêng. Khi ở riêng, anh cũng chỉ ăn chơi không lo lắng gì cho gia đình, nhưng bạn bè rủ đi ăn nhậu là đi ngay.

Tôi buôn bán nhỏ ở chợ, sinh con cũng một mình chăm sóc, nuôi dưỡng. Anh cặp bồ với đàn bà góa chồng rồi về đánh đập, chửi rủa tôi, xưng mày - tao như một kẻ vô học. Tôi buồn và đau khổ, đòi ly hôn nhưng anh hăm dọa là sẽ giết tôi tại tòa án. Tính anh cộc cằn, độc ác, luôn dọa giết tôi. Ngày trước anh thường đi đánh nhau nên rất hung hăng, thô lỗ, vũ phu. Tôi nhờ anh việc nhà, anh không bao giờ lo, nhưng nếu bạn bè hoặc người đàn bà khác mà nhờ, anh đều nhiệt tình giúp. Như khi tôi nhờ đi công việc, anh đổ thừa trời nắng không làm, nhưng lúc bồ anh điện thoại, dù giữa trưa nắng gắt anh vẫn đi.

Anh nhậu mỗi ngày, sức khỏe như thanh niên, vì chỉ ăn chơi, tối về nằm ngủ, chẳng phải lo lắng việc gì. Còn tôi đủ thứ bệnh. Anh cặp bồ, chửi bới suốt khiến tôi không ngủ được, ngày nào cũng phải uống thuốc. Giờ chúng tôi không còn tình cảm nhưng không thể ly hôn. Chúng tôi như kẻ thù ở chung nhà khiến tôi stress như muốn trầm cảm. Nhà cửa, xe cộ tôi mua bằng tiền của mình, giờ ly hôn tôi sẽ bị thiệt thòi chăng? Luật pháp có xem xét về vấn đề đó không? Mong chuyên gia và mọi người giúp tôi.

Thu

Tôi muốn ly hôn nhưng chồng cứ dọa giết
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hằng gợi ý:

Chị Thu thân mến,

38 năm là quãng thời gian quá dài, đủ cho sự tàn bạo, ngang ngược của chồng chị lớn mạnh, đồng thời mài mòn ý chí chiến đấu, bảo vệ bản thân của chị. Thực ra ngay khi mới cưới và phát hiện chồng có những dấu hiệu lười nhác, vũ phu, phản bội… chị đã phải suy xét theo tính cách của chồng, cư xử sao cho hợp lý, tìm cách hóa giải mâu thuẫn, giảm bớt tính hung hăng, vô lối của chồng; hoặc nếu thử hết cách mà không cải thiện được, chị hoàn toàn có thể lựa chọn ly hôn.

Giờ đây, những hạt giống xấu gieo xuống đã thành cây đại thụ, không thể uốn nắn được nữa. Rất khó để một người gần 40 năm sống vô trách nhiệm với vợ con trở nên ngoan ngoãn, chí thú. Tuy nhiên, nếu muốn cuộc sống về già của mình bớt khổ, chị vẫn phải chọn lựa. Nếu tiếp tục cuộc hôn nhân này chị cần linh hoạt, khéo léo để đảm bảo an toàn cho mình. Nếu chị xác định không thể chia tay chồng thì hãy cố gắng tránh đi những mâu thuẫn và xung đột. Ngoài ra, chị đang có một lợi thế đó là các con, các cháu. Chúng sẽ ủng hộ và cùng chị cảm hóa người bố, người ông của mình. 

Chị cũng có thể chọn phương án thứ 2, đó là phản kháng. Chị bị bắt nạt không phải vì đối phương quá mạnh (anh ta to, khỏe, sức như thanh niên), mà bởi chị nghĩ mình quá yếu. Chúng ta đang sống trong một xã hội tiên tiến có luật pháp, đạo lý nên sức mạnh cơ bắp không phải là hàng đầu. Không phải chồng chị cứ cao, to, khỏe là có quyền “trên cơ”, đánh đập vợ. Càng không phải vì sức yếu mà chị chấp nhận chịu đựng sự giày vò. Hãy nhớ chị không đánh lại được chồng, nhưng chị có thể bỏ chạy, thoát khỏi anh ta, giữ cho cơ thể mình lành lặn. Chị có thể gọi công an, nhờ sự can thiệp của hội phụ nữ hoặc luật sư nếu chồng chị có ý định cố ý gây thương tích cho chị. 

Xét cho cùng, nhịn cũng không phải là một biện pháp triệt để và lâu dài. Có tuổi, đã lên chức ông bà rồi, nếu không thể tôn trọng và sống hòa thuận với nhau thì chia tay cũng là một sự lựa chọn. Về lời đe dọa của chồng chị, tại Khoản 1, Điều 103 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định:“Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”. Vậy nên chị có thể thu thập những chứng cứ để chứng minh những lời đe dọa của chồng chị là thật. Sau đó yêu cầu anh ta lựa chọn dừng hành vi này lại hoặc chị sẽ phải nhờ đến pháp luật can thiệp, tự bảo vệ mình. Hãy nói thẳng để chồng chị biết về tình trạng sức khỏe, stress của bản thân và những hậu quả có thể sẽ xảy ra nếu còn phải tiếp tục chung sống như vậy. Chia tay sẽ giống như một sự giải thoát, để cả hai bên có được tự do và thoải mái theo ý thích của mình.

Nếu chồng chị vẫn ngoan cố thì chị hoàn toàn có quyền đơn phương ly hôn. Mọi thứ tài sản cũng như con cái sẽ được tòa phân chia theo pháp luật. Nghĩ đến cùng thì con người mới là quan trọng, nếu như sống không thấy ý nghĩa và hạnh phúc thì vật chất cũng không thể phát huy được hết giá trị của nó.

Chúc chị mạnh mẽ, sáng suốt.

Theo VnExpress.net

Nổi bật