Thu về tới nhà thì đã 8 giờ tối, hai con nhỏ đứa thì khóc, đứa thì ngủ lăn trên ghế sofa. Bà hàng xóm thấy Thu về thì chạy sang kể lể: “Thằng Khanh nó nói là nó có việc phải đi gấp, nên nhờ bác trông hai đứa đợi cháu về. Bác dỗ thế nào bé Kem cũng không hết khóc, còn thằng Bốp đói ăn xong bát mì thì ngủ luôn rồi”.
Đảo mắt nhìn quanh nhà, người Thu càng mệt mỏi rã rời. Quần áo, cặp sách của hai con vứt tung toé khắp nơi. Trên bếp nồi mì nấu vẫn còn không che đậy, mấy bát mì ba bố con ăn cũng vứt vương vãi trên bàn.
Hai năm nay, kể từ ngày Thu lên chức trưởng phòng công việc quá bận rộn nên cô không còn nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình. Nhiều lần cô đề nghị Khanh chồng cô thuê giúp việc nhưng anh không nghe. Anh nói, đấy là trách nhiệm của cô. Anh không quan tâm bên ngoài cô làm gì, chỉ biết cô là vợ, là mẹ của con anh thì cô phải có trách nhiệm với gia đình.
Khanh nói vậy bởi tính anh gia trưởng, luôn thích áp đặt mọi thứ cho vợ, thực tình anh mới là người vô trách nhiệm với gia đình. Kể từ khi cưới nhau tới giờ, chưa một lần anh cầm chổi lau nhà, hay đi làm cuối tháng đưa tiền cho vợ.
Tiền lương của anh anh giữ, năm thì mười thoảng mới đưa cho Thu 1-2 triệu để cô đóng học thêm cho hai con. Cuộc sống mệt mỏi, công việc thì áp lực nhưng chưa một lần Thu than thở. Cô luôn chỉ biết cố gắng.
Sáng nào Thu cũng dậy từ lúc 5 giờ, chuẩn bị đồ ăn cho hai con, đưa chúng đi học. Chiều hoặc là Khanh đón con, hoặc là xe ôm đón, cô sẽ về nhà vào lúc 6 giờ để nấu cơm tối. Lịch là vậy, nhưng gần đây công ty có quá nhiều việc cần giải quyết nên Thu hay phải đi sớm về muộn. Khanh cũng lấy lí do công việc bận nên không thể đón con.
Khoảng chục ngày gần đây cả nhà ít ngồi ăn cơm với nhau, Khanh nói anh phải trực đêm, với lại lên cơ quan sớm vì tối còn xem Word Cup với mấy ông trên đấy cho vui. Dù không thấy thoải mái nhưng Thu cũng biết có cấm chồng thì cũng không được nên đành bỏ ngoài tai. Mệt mỏi và căng thẳng khiến cô không còn sức để quan tâm tới những việc chồng làm.
Người đau rã rời, đang ôm bé Kem và thiếp đi thì nghe thấy tiếng khóc giật mình của cu Bốp. Tới gần con, cô thấy người con trai nóng bỏng, chắc sốt cao nên thằng bé mới mệt và ngủ sớm thế. Thu cuống cuồng đi tìm thuốc hạ sốt, lau người cho con.
Cu Bốp có bệnh tiền sử sốt co giật, nên mỗi lần con sốt là chị phải cho con nhập viện ngay. Lo lắng, mệt mỏi, cuống quýt chị tìm điện thoại để gọi chồng, nhưng từ đầu bên kia chỉ thấy tiếng thông báo “Thuê bao quý khách vừa gọi không liên lạc được”. 1 giờ sáng 2 mẹ con gọi taxi vào viện, còn Kem chị đành phải gửi hàng xóm.
Dù đã tìm mọi cách liên lạc với chồng nhưng đều không được, Thu cũng đã quá mệt mỏi nên đành dừng lại. Đang tính quên đi thì tin nhắn điện thoại của cô kêu ting ting. Là Hương vợ của Tuấn – bạn thân của chồng cô.
“Chị Thu, em đang ngồi cafe xem bóng đá với chồng em, biết chị gọi nhưng không tiện nghe. Lúc trước thấy anh nhà chị cũng ngồi đây cùng cô bé nào giới thiệu là bạn anh, nhưng thấy em ra thì hai người nói có việc bận, anh Khanh nói là về nhà và cô gái kia cũng đứng lên về luôn”. Đọc tin nhắn Thu mới sững người. Từ bao giờ chồng cô thích café xem bóng đá ở vỉa hè?. Cô gái kia là ai? Anh đã về nhà sao cô không thấy?...
Linh cảm của một người phụ nữ khiến Thu nghi ngờ. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên Thu nghi ngờ chồng. Cô cầm chiếc điện thoại, bật phần mềm định vị. Chiếc điện thoại đôi được sắm từ ngày cưới nhưng chưa một lần dùng chức năng này.
Từ trong màn hình, Thu nhìn thấy vị trí mà chồng đang ở. Ngõ 110 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy). Khu vực dày đặc những nhà nghỉ, nơi mà trước đây Thu và Khanh cũng từng vào trú ngụ 1 vài lần hồi còn là sinh viên đang đi ở trọ chung phòng với mấy đứa bạn.
Đợi bé Bốp qua cơn sốt, cô gọi điện cho em gái nhờ qua bệnh viện trông con. Dù đã gần 2 giờ sáng nhưng Thu vẫn quả quyết gọi taxi chạy thẳng tới khu nhà nghỉ trên phố Trần Duy Hưng. Nếu may mắn, cô sẽ tìm thấy anh, nhưng tìm thấy anh rồi làm được gì thì cô cũng chưa nghĩ tới.
Chiếc taxi đảo một vòng quanh các ngõ ở khu “phố nghỉ” Trần Duy Hưng, vừa bẻ lái Thu đã nhìn thấy chiếc xe Air Blade của chồng. Cô nhấc máy gọi chồng thêm một lần nữa. Lúc này máy Khanh đã bật, từ trong máy, tiếng chồng cô vọng ra:
“Em sao thế, giờ vẫn chưa ngủ gọi làm gì. Anh bận trực, với trực xong ở cơ quan xem bóng đá luôn với mấy ông bạn nên không về đâu. 3 mẹ con cứ ngủ trước đi”. Thu chưa kịp căn vặn, thông báo việc Bốp nằm viện thì Khanh đã cúp máy cái bụp.
Sau một hồi đứng trầm ngâm, cô tự hỏi nên làm gì đây?. Nếu đã thấy mà không dám đối mặt thì quá hèn kém, nghĩ vậy nên cô lấy hết bình sinh, bước vào khách sạn. Bước tới quầy lễ tân cô dõng dạc: “Anh Khanh có hẹn tôi, đưa tôi lên phòng anh ấy”.
Lễ tân có vẻ hơi nghi ngại, nhưng nghe thái độ quả quyết của cô cùng lời giải thích tôi gọi mà máy anh hết pin, nên anh chàng lễ tân mới khiên cưỡng nói số phòng, đưa cô lên cầu thang. Cậu lễ tân gõ cửa, Thu đứng đằng sau.
Cánh cửa mở ra, Khanh bước ra, chỉ duy với tấm khăn tắm quất trên người. Thu cười, nụ cười có vẻ còn tệ hơn khóc. Cô im lặng hồi lâu, còn Khanh thì khỏi phải nói anh sốc cỡ nào. Cô gái từ trong phòng lao ra chất vấn Thu như thể chính cô ta mới là vợ của Khanh vậy.
Bẽ bàng, đau khổ, bực giọng, Thu lao ra khỏi khách sạn. Trong đầu cô hiện lên hình ảnh của hai đứa con bé bỏng. Chúng cần có cả bố và mẹ, nhưng làm sao cô có thể tha thứ cho anh khi cô đã tận mắt chứng kiến tất cả. Cô tự hỏi, liệu mình có thể nhắm mắt cho qua hết mọi thứ được không?.
Theo Ngọc Trâm (Dân Việt)