Năm nào cũng vậy, từ 20 tháng Chạp tôi đã gửi về biếu bên nội, bên ngoại 3 triệu tiền sắm Tết Nguyên Đán. Đến ngày về nội, tôi còn mua thêm nhiều hoa quả, bánh kẹo, cành đào. Đêm Giao thừa thì thêm tiền lì xì may mắn.
Mẹ chồng tôi tính thích khoe khoang, so với hàng xóm bà luôn tự hào vì con trai học hành giỏi giang, làm việc cho tập đoàn lớn. Chiều bà, chồng tôi luôn dặn tôi mua sắm quần áo Tết cho ông bà cũng không được tiếc tay, để bà còn nở mày nở mặt.
Năm nay, chồng tôi nghỉ việc ra lập công ty riêng. Khỏi phải nói, mỗi dịp chúng tôi về quê, hàng xóm đều hỏi thăm, ca ngợi việc chồng tôi còn trẻ đã làm giám đốc doanh nghiệp ở thành phố lớn, đi xe ô tô sang. Mọi người đâu có biết, công ty mới, chúng tôi phải vay ngân hàng tiền vốn, cái xe cũng chủ yếu để tạo hình ảnh khi làm việc với đối tác. Từ ngày có chức giám đốc, chồng tôi phải thay mặt mẹ biếu quà khắp nơi.
Gần cuối năm, không may đối tác trục trặc, công ty bị chậm thanh toán. Món nợ đòi được một phần nhỏ đủ để trả lãi vay ngân hàng, còn lại sang năm mới lo được tiếp. Nợ nần chồng chất khiến chồng tôi mất ăn mất ngủ.
Tết nhất đến gần, tiền lương của tôi cũng chỉ đủ ăn, lại đúng lúc cần trả lương cho nhân viên. Tôi vét sạch tiền tiếm kiệm vẫn không đủ lo. Tôi gửi con ở lớp muộn, xin làm thêm giờ, trực thay cho đồng nghiệp. Anh lấy xe ra chạy grap suốt một tháng. Hai vợ chồng gầy rộc đi. Cuối cùng cũng đủ tiền thanh toán cho nhân viên về ăn Tết.
Những ngày cuối năm, tôi đếm tiền mà xót xa. Tôi gọi về kể với mẹ, bố mẹ tôi động viên cố gắng, từ chối nhận tiền biếu của vợ chồng tôi, bà còn thương chuẩn bị giúp tôi quà ngon để biếu bố mẹ chồng nhưng dặn tôi giữ bí mật kẻo chồng tôi áy náy. Tôi gửi quà về kèm theo 1 triệu biếu bên nội. Vợ chồng con cái đều không dám mua sắm gì.
Chiều 30 Tết, gia đình tôi ăn bữa cơm Tất niên. Chị hàng xóm gần nhà thì thầm: "Cô chú có công ty riêng mà biếu bà 1 triệu tiêu Tết, bà ra chợ cứ xầm xì không dám mua sắm gì. Chị hỏi bà vừa khóc vừa kể đấy. Mình làm ăn được cũng nên báo hiếu cho bố mẹ em ạ". Tôi cứng họng, cũng không muốn giải thích với hàng xóm làm gì.
Chưa bao giờ tôi phải sống cảnh nhục nhã như thế, hơn chục người thay nhau kéo tôi ra hỏi thăm việc keo kiệt với nhà chồng. Mấy người họ hàng còn chỉ trỏ nói xấu ngay sau lưng như cố ý để tôi nghe thấy: "Ôi dào, nhìn cô ấy mặc quần áo là lượt thế, mà để ông bà mặc đồ cũ đón Tết đấy. Mẹ chồng có tốt mấy thì con dâu cũng trở mặt thôi. Mấy năm đầu mới về thì quà cáp chu đáo, giờ làm ra tiền lại bắt đầu thu vén cho nhà ngoại rồi".
Nhà tôi đón giao thừa trong không khí nặng nề. Tôi nói với mẹ chồng: "Năm nay chúng con làm ăn thất bại, chồng con phải lái xe thuê mới đủ tiền trả nợ và về quê ăn Tết. Tiền và quà con biếu mẹ là mẹ đẻ con gửi. Con đã giấu anh Lâm vì không muốn anh xấu hổ với bên ngoại. Không ngờ, ngày hôm nay hàng xóm, họ hàng chỉ thẳng mặt con mà chửi con vơ vét cho ngoại, quên nội. Mẹ ơi, sao mẹ không hỏi thăm chúng con một câu nếu thấy sự bất thường". Mẹ chồng tôi khóc lóc ầm ĩ, thể hiện mình bị oan. Nhưng chồng tôi biết tôi nói đúng nên lặng lẽ kéo tôi đi ngủ, bố chồng thì thở dài.
Tết năm nay, vợ chồng tôi ở trong nhà suốt ngày mùng 1, không dám đi chúc Tết bất kỳ ai. Mùng 2 chúng tôi về ngoại, để lại sau lưng tất cả những lời bàn tán.
Tôi không hiểu, mẹ chồng tôi nói xấu tôi thì được gì cho gia đình? Sao mẹ nỡ nói xấu con dâu khắp nơi như vậy mà không thấy hối hận khi biết sự thật? Những ngày tiếp theo, tôi biết phải đối diện với bà như thế nào đây.
Theo L.C (Helino)