BS Lương bị đề nghị 30-36 tháng tù treo: "Chúng tôi cảm thấy rất kinh hoàng"!
Thật vui vì vào chiều một ngày thứ 7 nóng nực mùa hè tuần vừa qua, Quốc hội ngoài phát biểu về những vấn đề vĩ mô, đã dành thời gian để tranh luận về một vụ án hay chính là số phận của một con người – Bác sỹ Hoàng Công Lương.
Có 4 ý kiến được nêu ra, ý kiến đầu tiên nghiêng về việc cho rằng Bác sỹ Lương vô tội. Ý kiến tiếp theo của một Đại biểu đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hòa Bình, nơi đang xét xử vụ án thì cho rằng: việc phát ngôn ủng hộ, cho rằng Bác sỹ Lương vô tội, trong khi tòa án đang xét xử là không phù hợp, không đem lại “sự giải quyết đúng đắn về hoạt động xét xử của hội đồng xét xử nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tức là nhân danh quyền lực nhà nước”. Hai ý kiến còn lại chủ yếu phản bác về mặt chuyên môn hoặc bào chữa rằng việc phát biểu tại Quốc hội không ảnh hưởng đến việc xét xử của tòa án.
Bỏ qua các vấn đề riêng của vụ án cũng như những câu chữ nhiều khi khiến người nghe cảm thấy mang tính lấn át hơn là tranh luận, các Đại biểu đang xoay xung quanh một câu hỏi cốt lõi: liệu chúng ta, bằng cách này hay cách khác có nên phát biểu rằng một người là vô tội trong khi tòa án đang xét xử hay không?
Câu trả lời là có. Nhiều người sẽ dẫn ngay ra được cách hiểu cơ bản nhất của nguyên tắc suy đoán vô tội: không ai bị xem là có tội cho đến khi có bản án của tòa. Tuy nhiên, nếu dừng lại ở đó thì nguyên tắc này chỉ áp dụng để ngăn cản suy đoán có tội, suy luận buộc tội và việc đối xử như là người đã bị kết tội của dư luận, báo chí, hội đồng xét xử đối với người đang được xét xử mà chưa có bản án cuối cùng. Ở phía xa hơn, đối với người bị xét xử thì quyền được suy đoán vô tội, về bản chất là tồn tại vĩnh viễn, không phải chỉ từ thời điểm một người bị đưa ra xét xử cho đến khi có bản án của tòa án, quyền này vẫn tồn tại sau khi người bị kết án thi hành án xong. Thậm chí, sau khi người bị kết án chết đi, nó vẫn tồn tại.
Để giải thích cho điều này, lại cần dẫn đến một nguyên tắc khác của tư pháp hình sự, luôn đi cùng suy đoán vô tội, đó là nguyên tắc “Nghi ngờ hợp lý”. Nói dễ hiểu: toà án được quyền kết luận 1 người là vô tội, không phải chỉ khi tòa án chắc chắn người đó vô tội mà chỉ cần vẫn còn những nghi ngờ về việc người đó đã thực sự phạm tội.
Có nghĩa là dù cho cả trăm nghìn chứng cứ được đưa ra để kết tội một người, thì chỉ cần một chứng cứ, lập luận nghi ngờ hợp lý, cũng phải kết luận là người đó vô tội. Những học giả nước ngoài gọi nguyên tắc này là vương miện – điều quý giá nhất của một nền tư pháp hình sự.
Cách tư duy trên được đúc rút ra từ thực tế rằng, trong tư pháp hình sự, kết luận một người là có tội có lẽ là điều nặng nề nhất mà xã hội dành cho đồng loại của mình. Nó làm thay đổi số phận của không chỉ một con người, có thể tước đi tuổi thanh xuân, cuộc đời, thậm chí là quyền sống của một con người.
Tuy vậy, kết luận một người là có tội, trên thực tế đôi khi lại thật dễ dàng với tòa án, bởi những định kiến hình thành ngay từ khi bên công tố đưa ra tất cả các chứng cứ để kết tội một người. Do đó, khi vẫn còn nghi ngờ thì nhất định tòa án không được kết luận một ai là có tội.
Áp dụng vào trường hợp hôm thứ 7 trên nghị trường, rõ ràng hoàn toàn không phải như những điều mà Đại biểu tỉnh Hòa Bình đã nêu ra. Việc những Đại biểu khác nêu ý kiến rằng Bác sỹ Lương vô tội kèm theo suy luận của mình, không những không hề cản trở việc xét xử của tòa án mà thậm chí đang hỗ trợ rất nhiều cho tòa án trong xét xử một cách đúng đắn, công tâm.
Nói cách khác, để kết luận Bác sỹ Lương có tội một cách công bằng, tòa án phải có lập luận vượt qua hết được những nghi ngờ vô tội-hợp lý mà các Đại biểu quốc hội, luật sư bào chữa hay dư luận đã nêu ra.
Và cuối cùng, nếu còn băn khoăn thì xin hãy nhớ lại những cái tên như: Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm, Bùi Minh Hải, Trần Văn Chiến, Nguyễn Minh Hùng… Nếu không có nguyên tắc suy đoán vô tội, không có nguyên tắc nghi ngờ hợp lý, không có tiếng nói của các Đại biểu Quốc hội, của dư luận xã hội, của báo chí, luật sư, của những con người còn lương tri và luôn đau đáu về một nền tư pháp hình sự công bằng, những cái tên đó sẽ không bao giờ được biết đến, và số phận của những con người bị kết tội một cách oan khuất, khi vẫn còn đầy rẫy những nghi ngờ có lẽ đến hôm nay vẫn còn chìm vào trong bóng tối.
Theo Bùi Phú Châu (VietNamNet)