Bị cáo Lương khai việc được 'mớm cung'
Trong những ngày Tòa án Nhân dân TP. Hòa Bình xét xử sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “vô ý làm chết người” xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình ngày 29/5/2017, đã có nhiều người thân của các bị cáo đến tham dự. Trong số đó, có bà Trần Thị Phượng (59 tuổi) mẹ bị cáo Trần Văn Sơn.
Bà bảo, mỗi hôm đến phiên tòa, dù nhìn thấy con nhưng không thể nói với Sơn một lời vì “ngăn cách”. Bà chỉ biết khóc vì thương con và cầu mong cho con được mức án thấp nhất.
Gia đình bà sinh được 2 người con. Trước Sơn còn một người chị nữa đã lập gia đình riêng. Trước đây, dù gia đình khó khăn, nhưng bố mẹ gắng gượng cho con ăn học. Tốt nghiệp cao đẳng, Sơn được nhận vào BV Đa khoa Hòa Bình làm việc.
Xuất phát điểm của gia đình là nghề nông nên Sơn rất thương bố mẹ. Sơn cũng học thêm nhiều để hoàn thiện bản thân mình. Cho đến trước khi bị bắt, Sơn vẫn xuống Hà Nội vào ngày thứ 7, chủ nhật để học thêm.
Ngày 29/5/2017 xảy ra sự cố tại BV Đa khoa Hòa Bình làm 18 người phải đi cấp cứu, trong đó 8 người tử vong (hiện là 9 người). Sơn bị cơ quan CSĐT xác định là một trong 3 người phải chịu trách nhiệm về cái chết của 9 người nên bị bắt tạm giam.
“Sau khi xảy ra sự cố, Sơn liên tiếp bị cơ quan CSĐT triệu tập lấy lời khai. Rồi điều xấu nhất đã xảy ra. Sơn bị bắt tạm giam vào giữa tháng 6/2017 cho đến nay”, bà kể.
Ở nhà Sơn là chỗ dựa của gia đình. Bởi bố mẹ tuổi cũng cao, lại chẳng có lương hưu. Thu nhập của gia đình chỉ trông vào ít đất trồng hoa màu. Biết vậy, mỗi khi lĩnh lương, Sơn đều đưa cho bố mẹ, bản thân chỉ cầm một phần để chi tiêu cá nhân.
Từ khi Sơn bị bắt, gia đình càng khó khăn hơn. Không những thế, vì lo lắng cho con chồng bà vốn đã bị bệnh parkinson với biểu hiện run tay chân, tăng trương lực cơ, co cứng, cử động chậm chạp nay càng trở nên nặng hơn. Cũng vì thế, chi phí thuốc men ngày càng tốn kém hơn. Trung bình, mỗi tháng cũng mất hơn 1 triệu đồng tiền thuốc.
Bà Phương bảo, từ khi Sơn bị bắt bà đã khóc rất nhiều vì thương con. “Đêm nào tôi cũng khóc chú ạ. Tôi khóc vì thương và lo lắng cho con nhưng cũng chẳng biết tâm sự cùng ai. Nếu mai này nó bị phạt tù thì chẳng biết tương lai sẽ ra sao nữa vì cháu còn quá trẻ. Tôi cũng muốn gặp nhà báo để tâm sự, chia sẻ nhưng lại sợ cơ quan điều tra gây khó dễ cho con, lại xử nặng hơn”.
Khi biết Viện Kiểm sát đề nghị mức án 4-5 năm tù giam cho Sơn, bà Phượng cho rằng mức án như vậy là quá nặng. “Đành rằng Sơn cũng có lỗi trong vụ này nhưng nó cũng chỉ là nhân viên, sếp bảo gì làm theo đó. Thế nhưng, khi sự cố xảy ra lại chỉ mình Sơn chịu trách nhiệm là không công bằng”, bà Phượng nói.
Bà Phượng cũng cảm ơn các gia đình nạn nhân đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, trong đó có Sơn. “Sơn còn trẻ, tương lai còn dài. Tôi mong muốn Hội đồng xét xử xem xét các chứng cứ vụ án khách quan, xử đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm đồng thời cho cơ hội để các bị cáo khắc phục hậu quả”, bà Phượng chia sẻ.
Như đã đưa tin, ngày 15/5, Tòa án Nhân dân TP. Hòa Bình đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự vụ án làm 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.
Theo đó, 3 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm bác sĩ Hoàng Công Lương (32 tuổi, khoa Hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi) Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh về tội “Vô ý làm chết người”.
Theo Như Ngọc (Phụ Nữ Việt Nam)