Bà Bùi Thị Phương Thuý- kế toán trưởng BVĐK Hòa Bình cung cấp thông tin trước toà.
Phiên xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh Quốc sẽ tiếp tục phần bào chữa của các luật sư dành cho các bị cáo. Trong số 6 luật sư bào chữa cho bác sĩ Lương thì mới có 3 luật sư hoàn thành phần bào chữa, 1 luật sư đang trình bày phần bào chữa và 2 luật sư đang "đợi đến lượt". Các luật sư bào chữa cho bị cáo Sơn và Quốc chưa được trình bày phần bào chữa cho thân chủ của mình.
Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 7/5, HĐXX dự kiến phiên tòa kéo dài 4 ngày. Tuy nhiên sau đó phiên tòa đã tạm hoãn đến ngày 15/5. Trong lần đưa vụ án ra xét xử này, HĐXX không "gò bó" thời gian mà chỉ nêu "xét xử đến bao giờ kết thúc thì thôi".
Theo nhận định của một số luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tại phiên tòa chia sẻ, vì vụ án có nhiều phức tạp về chuyên môn cũng như không xác định đúng tư cách của một số người tham gia tố tụng dẫn đến việc họ vắng mặt khiến việc xét hỏi đi vào ngõ cụt và một số vấn đề "cốt lõi" chưa được làm sáng tỏ.
Một luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Sơn chia sẻ, ngay từ đầu phiên tòa, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định sai tư cách của những người tham gia tố tụng, hoặc không xác định tư cách của những người tham gia tố tụng có liên quan.
Trong quá trình điều tra đã không xác định ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) và ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, PGĐ bệnh viện) tham gia tố tụng với tư cách gì . Việc xác định sai tư cách của một số mắt xích quan trọng trong vụ án này dẫn đến việc chỉ coi họ là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nên không bắt buộc họ phải đến phiên tòa mà có thể ủy quyền cho người khác. Do vậy phiên tòa trở nên bế tắc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phiên tòa kéo dài lâu hơn dự kiến.
Ngay như việc luật sư ủy quyền của ông Trương Quý Dương cũng chỉ xuất hiện tại tòa trong 1 ngày rồi "mất tích" khiến việc làm rõ một số vấn đề của vụ án không được làm rõ. Các luật sư trong phần xét hỏi của mình đã phải gắt lên vì thiếu những người quan trọng, muốn hỏi mà không có để hỏi, lại đi hỏi những người "thế thân", khiến vụ việc trở nên "đi vòng".
Những người khác như ông Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng khoa Vật tư được triệu tập nhiều lần nhưng cũng chỉ xuất hiện vào 1 buổi chiều sau đó vắng mặt. Việc ông Thắng trả lời các câu hỏi của luật sư cũng như HĐXX về quy trình trách nhiệm liên quan đến việc sửa chữa hệ thống nước RO là rất quan trọng, tuy nhiên ông này lại nói "vì lý do sức khỏe, mong HĐXX và các luật sư hỏi những câu hỏi theo kiểu Có hoặc Không".
Một điều nữa là việc điều dưỡng Đinh Tiến Công bất ngờ thay đổi lời khai về việc ghi thêm phần nhiệm vụ cho bác sĩ Hoàng Công Lương trong cuốn sổ họp giao ban của khoa khiến vụ án ngoặt sang một hướng khác. Việc Công ghi thêm vào biên bản họp khoa phần nhiệm vụ chính là căn cứ để cơ quan công tố cáo buộc bác sĩ Lương "thiếu trách nhiệm" và bị truy tố. Khi điều dưỡng Công "khai lại" trước HĐXX thì các luật sư tập trung làm rõ vấn đề.
Lần lượt các điều dưỡng, bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực được gọi lên xét hỏi làm rõ. Đa số họ đều nói không biết bác sĩ Lương được phân công phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo. Một điều dưỡng cho biết, được nhìn thấy cuốn sổ giao ban ghi thêm nhiệm vụ cho bác sĩ Lương nên... cứ ghi theo sổ chứ không biết chính xác bác sĩ Lương có được phân công nhiệm vụ kia là thực hay không. Chính việc làm sáng tỏ vấn đề này cũng đã mất tới gần 3 ngày của phiên xử.
Ngoài ra, còn tình tiết đoạn clip ghi lại cuộc trao đổi giữa ông Hoàng Đình Khiếu và Phó phòng Tài chính kế toán liên quan đến việc thanh lý hợp đồng giữa bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và công ty Thiên Sơn cũng lấy mất của HĐXX 1 ngày làm việc.
Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến quy trình "đặc thù của ngành y" cũng làm tốn nhiều thời gian của những người tham gia phiên tòa như Quy trình khám chữa bệnh cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quản lý y tế còn có lỗ hổng; Quy chế, nội quy của bệnh viện chưa được hoàn thiện, nên việc xác định lỗi của các chủ thể gặp nhiều khó khăn. Đến giữa tuần thứ 2 của phiên xử, đại diện của bộ Y tế mới xuất hiện và lý giải, nhưng cũng chưa đầy đủ.
Ngoài ra, các luật sư cũng đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy có sự vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra đối với bác sĩ Lương. Luật sư Trần Hồng Phúc đã nêu nhiều bằng chứng cho thấy có việc mớm cung, thông cung trong quá trình lấy cung bị can.Có những bằng chứng cho thấy có lời khai “sinh đôi”, cùng một thời gian nhưng một điều tra viên có thể hỏi được 2 bị can khác nhau.
Ngoài ra, trong quá trình xét xử, bác sĩ Hoàng Công Lương đã phải dùng đến quyền im lặng vì "không tin VKS". Trong buổi chiều ngày 24/5, luật sư Chiến đã đề nghị với HĐXX rằng cần tuân thủ thời gian làm việc chứ không nên "đi sớm về muộn" như trong các phiên xử trước.
Phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị can sẽ tiếp tục vào sáng thứ 2 (28/5) với phần trình bày bào chữa tiếp của luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho Hoàng Công Lương).
Theo Xuân Hòa (Người Đưa Tin)