Liên quan đến sự cố y khoa làm 9 người chết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, sau một lần bị hoãn vì vắng mặt nhiều luật sư, TAND thành phố Hoà Bình quyết định mở lại phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc dự kiến trong 5 ngày, bắt đầu từ 15/5.
Tuy nhiên, phiên toà đang dừng lại ở phần tranh luận sau 9 ngày xét xử.
Những ngày diễn ra phiên toà, bị cáo Lương luôn cho rằng, VKS cáo buộc anh phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không đúng. Anh chỉ điều trị bệnh nhân tại đơn nguyên thận nhân tạo chứ “không phải là người quản lý đơn nguyên này”.
Hai bị cáo còn lại đều nhận do "lỗi chủ quan nên gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng". Tuy nhiên, cả Quốc và Sơn đều khẳng định, không được ai hướng dẫn về quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước nên trách nhiệm “không thể chỉ thuộc về hai người”.
Sau sáu ngày xét hỏi, VKS thành phố Hoà Bình đã đề nghị toà tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Quốc mức án 5 -6 năm tù về tội Vô ý làm chết người; Trần Văn Sơn án 4-5 năm tù giam và Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội ngay sau đó đã lên tiếng bảo vệ nam bác sĩ.
Tranh luận vừa được một ngày thì luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Lương) nộp cho HĐXX video có nội dung về “hợp đồng sửa chữa thiết bị ngày 28/5/2017 giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn đã được thanh lý”. Thấy “bất ngờ xuất hiện chứng cứ mới”, thẩm phán Nghiêm Hoài Anh quyết định cho quay lại phần xét hỏi.
Ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư), bà Bùi Thị Phương Thuý (Phó trưởng phòng Tài chính Kế toán) và bà Vũ Thị Thục (nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán) lập tức bị triệu tập đến toà. Đây cũng là ba người đầu tiên được xác định với tư cách là nhân chứng tại phiên xử.
Tuy nhiên, sau nửa ngày xét hỏi, đại diện VKS cho rằng đoạn video không làm thay đổi bản chất vụ án nên đề nghị HĐXX dừng phần này để quay lại tranh luận.
Ngoài những cáo buộc với ba bị cáo, các luật sư “mở rộng hồ sơ”, đưa ra chứng cứ về việc “bỏ lọt tội phạm” khi không triệu tập nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương và nhiều người liên quan khác đến toà. Trách nhiệm của Bộ Y tế cũng được đề cập khi không ban hành quy trình về sửa chữa, vận hành hệ thống lọc nước RO trong chạy thận nhân tạo.
“Vụ án bế tắc kéo dài” khi nguyên giám đốc bệnh viện không đến toà
Là người đứng đầu bệnh viện khi xảy ra sự cố y khoa, song trong phiên sơ thẩm nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương không đến toà để đối chất các vấn đề và trách nhiệm liên quan mà nhiều luật sư đặt ra. HĐXX cho rằng ông Dương được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên "không cần thiết phải đến toà".
Nhiều luật sư cũng đề nghị được mời đại diện Bộ Y tế cùng đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực chạy thận nhân tạo đến toà, để làm rõ các vấn đề chuyên môn và trách nhiệm của những người liên quan theo quy chế bệnh viện do Bộ ban hành. Tuy nhiên HĐXX bác bỏ những đề nghị này vì cảm thấy “không cần thiết”.
Trong phần bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc, luật sư Trần Vũ Hải đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra và đại diện viện kiểm sát. Họ đã để “vụ án đi vào bế tắc và kéo dài” khi không mời được nguyên giám đốc Trương Quý Dương đến toà. Đang có tranh chấp dân sự về kinh tế, cơ quan điều tra lại để ông Dương xuất cảnh ra nước ngoài.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Chiến cũng thể hiện sự băn khoăn khi chẳng biết hỏi ai để làm sáng tỏ vụ án. Ông Chiến nói, không có người liên quan đến toà thì phiên xử khó tiếp tục.
Phản bác lại trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng vụ án bị bế tắc khi “toàn những người không biết gì tranh cãi nhau”. Ông Huế nhấn mạnh, bệnh viện đa khoa Hoà Bình không có lỗi mà trách nhiệm phải của người đứng đầu. Vị luật sư cũng kiến nghị triệu tập ông Dương từ trước và trong khi diễn ra phiên toà nhưng HĐXX không thực hiện. "Việc vắng mặt ông Dương tại toà hoàn toàn có thể gây oan sai", ông Huế nói.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Trong phần bào chữa cho thân chủ Hoàng Công Lương, luật sư Lê Văn Thiệp đề nghị HĐXX khởi tố vụ án hình sự, khởi tố nguyên giám đốc Trương Quý Dương, trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng và giám đốc công ty Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn về các tội danh: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước.
Luật sư Thiệp cho rằng, cơ quan công tố đã vi phạm nghiêm trọng việc tố tụng. Chính vì không thu thập chứng cứ mà nhà chức trách đã bỏ lọt tội phạm.
Đáp lại, đại diện VKS cho rằng, trong quá trình điều tra nhận thấy chưa có đủ căn cứ để truy tố ông Trương Quý Dương. Trong quá trình xét xử, HĐXX cảm thấy có đủ căn cứ thì có thể kiến nghị để xem xét trách nhiệm của ông Dương ở các giai đoạn tiếp theo của vụ án.
Về việc xuất cảnh của ông Dương, công tố viên khẳng định không có cơ sở cấm xuất cảnh bởi ông Dương không phải là bị can, bị cáo hay người sắp bị khởi tố. Cơ quan điều tra và đại diện viện xác định tư cách ông Dương là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chứ không phải nhân chứng.
“Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm”
Ngay khi bắt đầu phiên toà, nhiều luật sư đã đề nghị mời lãnh đạo Bộ Y tế để đối chất làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan song bị HĐXX bác bỏ. Ngày thứ 6 xét xử, đại diện Bộ Y tế bất ngờ xuất hiện tại toà song luật sư không được hỏi vì HĐXX cho rằng “đây là quyền của toà án”.
Trả lời thẩm vấn trước toà, ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế) cho biết sự việc 9 người tử vong là sự cố y khoa đặc biệt nghiệm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín Bệnh viện đa khoa Hoà Bình và cả ngành y tế. Bộ Y tế ngay sau đó đã rà soát và nhận thấy quy trình sửa chữa, bảo dưỡng của các nhà sản xuất khác nhau nên tháng 4/2018 đã ban hành quyết định gồm 52 quy trình. Trong đó 7 quy trình liên quan đến hoạt động lọc nước RO.
Trong bài bào chữa hơn 3 giờ cho thân chủ Hoàng Công Lương, luật sư Trần Hồng Phúc chỉ ra những thiếu sót trong công tác quản lý của Bệnh viện đa khoa Hoà Bình và trách nhiệm của Bộ Y tế khi không ban hành quy trình sửa chữa, vận hành hệ thống lọc nước RO trong chạy thận. Theo bà Phúc, Bộ Y tế mới “đẻ ra quy trình” vào tháng 4/2018, gần một năm sau khi xảy ra sự cố làm 9 người chết.
Cũng sau sự cố, Bộ Y tế mới đi kiểm tra chất lượng nguồn nước, xét nghiệm AAMI. Qua kiểm tra cho thấy, hơn 70% mẫu nước ở các cơ sở y tế không đạt chất lượng.
"Bộ Y tế có một vụ chuyên về trang thiết bị y tế mà không tạo ra được tiêu chuẩn dùng chính trong ngành của mình. Bộ không nên đổ lỗi cho nhà sản xuất mà phải tự nhận ra trách nhiệm của mình xem đã thực hiện đúng chưa với tư cách là cơ quan chủ quản", bà Phúc nói và cho rằng, cần kiểm tra hàng trăm bệnh viện trên cả nước, nếu không sẽ có vụ Hòa Bình thứ hai “thật khủng khiếp”.
Luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, việc đưa ba bị cáo ra xét xử chỉ là phần ngọn của vấn đề. Bởi vậy bà kiến nghị cần mở rộng về vấn đề pháp lý của đơn nguyên thận nhân tạo xem đã thành lập đúng pháp luật hay chưa. Làm rõ trách nhiệm của Sở Y tế Hoà Bình và Bộ Y tế trong công tác quản lý và ban hành quy trình vận hành hệ thống lọc nước RO.
Đáp lại về trách nhiệm của Bộ Y tế mà các luật sư nêu, cơ quan công tố cho rằng đã nhận thấy và sẽ có kiến nghị với cơ quan chủ quản để điều chỉnh.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Viện Tim Hà Nội) cho rằng, không thể xử một người về trách nhiệm khi mà họ không được giao. “Không thể truy tội cho một người thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ thực hiện quy trình mà quy trình đó không có, đúng ra vừa có vào tháng 4/2018”, ông Tuấn nói.
Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong. Công an xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo.
Nhà chức trách cáo buộc, với trách nhiệm được giao, bác sĩ Hoàng Công Lương phải biết nước lọc máu có đảm bảo chất lượng theo quy trình hay không. Nhưng ngày 29/5/2017, Lương không kiểm tra hệ thống nước mà đã ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân dẫn đến tai biến.
Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước của đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp hai loại hoá chất không có trong danh mục được dùng để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước. Đây là nguyên nhân chính làm chết 9 người.
Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) bị cáo buộc đã không trực tiếp có mặt để giám sát khi được giao kiểm tra việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.
Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người.
Theo Phạm Dự (VnExpress.net)