Nóng: Tòa xét xử BS Hoàng Công Lương trả hồ sơ, đề nghị khởi tố thêm 2 trưởng khoa

05/06/2018 14:00:00

Bác sĩ Hoàng Công Lương nói gì sau 12 ngày xét xử?

Chiều nay (5/6/2018), TAND tỉnh Hòa Bình đã mở phiên cuối cùng xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong tại BVĐK Hòa Bình.

Nóng: Tòa xét xử BS Hoàng Công Lương trả hồ sơ, đề nghị khởi tố thêm 2 trưởng khoa
Hội đồng xét xử vụ án chạy thận, chiều 5/6/2018. Ảnh: Như Hoàn.

Theo cáo trạng, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố tội "Vô ý làm chết người", bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ Khoa hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư - Bệnh viện đa khoa tỉnh) bị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Sau 12 ngày xét xử, TAND tỉnh Hòa Bình đã mở phiên cuối cùng vào 14h chiều nay (5/6/2018) để tuyên án. Chủ tọa phiên tòa Nghiêm Hoài Anh đánh giá đây là vụ án được dư luận quan tâm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phiên tòa diễn ra minh bạch, tuân thủ nguyên tắc tranh tụng công khai. HĐXX đã đọc quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

HĐXX nhận thấy có dấu hiệu vi phạm quy trình tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều tình tiết bằng chứng mới không có khả năng làm rõ tại toà.

Vì vậy, HĐXX tuyên bố trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hòa Bình để thực hiện điều tra bổ sung 6 vấn đề sau:

1. Điều tra, làm rõ các chứng cứ buộc tội, các chứng cứ gỡ tội đối với bị cáo Hoàng Công Lương. Cụ thể, xác định lỗi của bị cáo Lương trong việc ra y lệnh chạy thận ngày 29/5/2017.

Làm rõ vai trò của bị cáo Hoàng Công Lương có được phân công phụ trách Đơn nguyên TNT hay không?

2. Kiến nghị khởi tố ông Hoàng Đình Khiếu (phó giám đốc BVĐK Hòa Bình kiêm trưởng khoa HSTC BVĐK Hòa Bình) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và ông Trần Văn Thắng (Nguyên trưởng phòng Vật tư và thiết bị y tế BVĐK Hòa Bình) cũng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

3. Kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình trong việc ký kết hợp đồng liên danh sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế và căn cứ để thu nguồn tiền chạy thận nhân tạo với ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Sơn. Xác định có hay không thỏa thuận khác trong việc thu và sử dụng nguồn tiền này.

4. Thứ tư, điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân đối với bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh, Đặng Thị Huyền và các điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng, Đỗ Thị Điệp, Nguyễn Thị Hậu liên quan đến việc ra y lệnh chạy thận và bàn giao thiết bị sau sữa chữa. Làm rõ trách nhiệm của các ông Khiếu, Hoàng Công Tình trong việc ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho Hoàng Công Lương vào sổ họp giao ban.

5. Xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế đối với việc ban hành 2 công văn gửi cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình và Công ty luật Nguyễn Chiến có nội dung mâu thuẫn nhau về quy trình xét nghiệm mẫu nước RO theo tiêu chuẩn AAMI. Làm rõ chủ trương của Bộ Y tế trong việc cho phép các cơ sở y tế công lập phục vụ hoạt động dịch vụ liên quan thận nhân tạo.

6. Xem xét trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình trong việc cấp phép và quản lý giám sát các hoạt động của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có hoạt động chạy thận nhân tạo.

Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, thời điểm Tòa kiến nghị truy tố bổ sung 2 người là ông Khiếu, ông Thắng, người dân theo dõi phiên tòa vỗ tay hưởng ứng.

Chia sẻ nhanh về cảm nghĩ sau quyết định của tòa án, LS Nguyễn Chiến (bào chữa cho BS Hoàng Công Lương) cho biết, về 6 điểm Tòa án đã quyết định trả lại hồ sơ để bổ sung cho thấy, đây là quyết định cẩn trọng.

Video LS Chiến chia sẻ sau phiên tòa

Bs Trần Văn Phúc (BV Xanh Pon) chia sẻ sau khi phiên tòa công bố trả hồ sơ: "Về trách nhiệm của Bộ Y tế - Tôi cho rằng, còn rất nhiều vấn đề về hành vi của Bộ cần phải hoàn thiện, nhất là về quy trình trong ngành y tế nói riêng, quản lý chất lượng nói chung, trên thế giới các nước bạn đã hoàn thiện cách đây 30 – 40 năm.

Việc hoàn thiện quy trình tốt sẽ cho thấy cá nhân và tổ chức tuân thủ kỷ luật, thể hiện được sức mạnh tập thể. Tuy nhiên, trong tất cả các khâu quản lý của Bộ ngành không thể tránh khỏi những sai sót cần nhịn nhận để sửa đổi.

"Đây là cơ hội tốt nhất để Bộ y tế và ngành y tế nhìn lại mình và bao quát được tất cả quy trình quản lý, từ đó xây dựng được quy trình tốt nhất ban hành cho các lĩnh vực chuyên môn".

Theo PV (Soha/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật