Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế trả lời HĐXX về vấn đề "lỗi đánh máy" trong Công văn số 4342 của Bộ Y tế
Sáng 30-5, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vongtại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục làm việc với phần tranh tụng bào chữa, đối đáp giữa các luật sư (LS), người nhà nạn nhân và đại diện VKS.
Tranh luận lại lập luận của VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố BS Hoàng Công Lương, LS Hoàng Ngọc Biên (bảo vệ cho BS Lương), cho rằng VKS bác bỏ quan điểm cơ quan điều tra vi phạm tố tụng, dụ cung, mớm cung… là thiếu căn cứ pháp luật. LS nói ngắn gọn, luật cấm tức là sai nguyên tắc, vi phạm.
Đối với trách nhiệm gắn cho thân chủ mình, vị luật sư khẳng định một lần nữa BS Lương chỉ nhận vai trò là người chữa bệnh, các vi phạm của BS nếu có phải theo quy định pháp luật. Theo LS, lập luận của VKS nhầm lẫn giữa trách nhiệm người khám chữa bệnh và quản lý.
Nêu dẫn chứng nhiều nhân chứng trong quá trình điều tra khai có giao nhiệm vụ cho BS Lương, nhưng tại phiên tòa thay đổi lời khai. LS kết luận: “Việc thay đổi lời khai không làm thay đổi bản chất vụ án như quy kết của VKS” và cho rằng không thể lấy kết luận điều tra ban đầu để tuyên án cho bị cáo: “Vậy VKS tuyên luôn chứ ra tòa làm gì nữa”, ông Biên gay gắt.
Lập luận BS Lương ký vào biên bản sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 nên gắn trách nhiệm, và nếu báo lên trưởng khoa sẽ không phải chịu trách nhiệm, LS khẳng định đây không phải hành vi nguy hiểm, như vậy không có căn cứ để buộc tội. Theo đó, đừng đặt trách nhiệm này vào cho thân chủ mình.
Đồng thời, không có nội dung trước khi BS ra y lệnh phải xin ý kiến trưởng khoa: “Đặt trách nhiệm BS Hoàng Công Lương nhưng không đưa ra được chứng cứ pháp luật nào là điều vô lý. Như vậy VKS đã suy diễn chủ quan, không dựa trên cơ sở pháp luật nên chủ thể bị nhầm lẫn”, LS đối đáp.
Việc VKS buộc BS Lương phải biết chất lượng nguồn nước RO số 2 trước khi ra y lệnh, LS nói, cái này thì bệnh nhân nào cũng biết không riêng gì BS. Nhưng việc kiểm tra hay không kiểm tra không thuộc trách nhiệm của BS điều trị. Người thầy thuốc chỉ chịu trách nhiệm khi kê toa thuốc cho bệnh nhân, vì trách nhiệm này được quy định trong quy chế của BV: “Nên không có quy định mà cứ buộc BS phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước RO số 2 hoàn toàn vô lý…”, LS nhấn mạnh.
Về việc trả hồ sơ vì có tình tiết mới, LS không đồng tình vì thiếu căn cứ. Theo LS, theo quy định trong quá trình thẩm vấn xét hỏi, trình bày phần luận tội, nếu VKS thấy không đủ căn cứ buộc tội BS Hoàng Công Lương thì rút truy tố và công bố BS Lương vô tội: “Không có chuyện thấy không đủ căn cứ thì trả hồ sơ. Không có chuyện thích thì truy tố không thích thì rút về”, vị LS gay gắt và đề nghị HĐXX tuyên BS Lương vô tội.
Theo Viết Long (Pháp Luật TPHCM)