Vừa qua, TAND TP Hòa Bình mở phiên sơ thẩm xét xử đối với 3 bị cáo trong vụ án chạy thận khiến 3 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Phiên tòa dự kiến xét xử trong 5 ngày nhưng sau đó kéo dài lên 12 ngày và sẽ tuyên án vào 14h, chiều 5/6 tới.
Xác định sai tư cách tố tụng của người liên quan?
Trong phiên xét xử vụ án chạy thận, luật sư Nguyễn Danh Huế (bào chữa cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) nêu quan điểm, ngay từ đầu, cơ quan tố tụng đã xác định sai tư cách của người tham gia tố tụng và những người liên quan. Luật sư Huế nêu ví dụ cụ thể về trường hợp ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) và ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình), trong biên bản lời khai, bút lục không thể hiện những người này tham gia tố tụng với tư cách gì.
“Vì xác định sai tư cách tố tụng của một số người liên quan được cho là “mắt xích” trong vụ án nên chưa thể bắt họ đến tòa. Những người này vắng mặt tại phiên tòa thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá tính chất vụ án. Người có mặt tại phiên tòa theo ủy quyền cũng không phản ánh hết sự thật khách quan của vụ án” - Luật sư Huế lập luận.
Cũng theo luật sư Huế, việc xác định lỗi của các chủ thể cá nhân vấp phải khó khăn do quy trình khám chữa bệnh và các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về y tế có lỗ hổng. Khi được triệu tập đến tòa, đại diện Bộ Y tế cũng thừa nhận, sau xảy ra sự cố y khoa, Bộ này mới ban hành quy trình về lọc máu chạy thận. Bên cạnh đó, quy chế của BVĐK tỉnh Hòa Bình chưa hoàn thiện.
Do ông Dương vắng mặt, một số luật sư đề nghị hoãn phiên tòa để xác định tư cách tham gia phiên tòa của ông Dương vì đây là nhân chứng liên quan đến nhiều tình tiết trong vụ án. Tuy nhiên, đề nghị không được HĐXX chấp thuận.
Theo luật sư Huế, “ông Dương là nhân chứng quan trọng nhưng có lời khai mâu thuẫn với các bị cáo về việc phân công nhiệm vụ. Việc vắng mặt ông Dương tại toà rất có thể gây oan sai".
Bên cạnh đó, việc một chuyên gia về lĩnh vực lọc nước chạy thận từ TP Hồ Chí Minh đến tòa chờ 3 ngày nhưng không được mời vào để trình bày góp phần làm sáng tỏ tình tiết trong vụ án cũng không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi.
"Ban đầu, Tòa đã chấp nhận mời chuyên gia nhưng sau đó bất ngờ không chấp nhận nữa. Nếu không có ý kiến chuyên gia về hệ thống lọc nước chạy thận thì nguyên nhân xảy ra sự cố y khoa khó được làm sáng tỏ, trách nhiệm của người liên quan có thể bị bỏ lọt”- luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bác sỹ Lương) bày tỏ.
Bộ Y tế nói gì về tiêu chuẩn AAMI?
Chiều 29/5, ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Y tế) được Tòa mời đến để trình bày về tiêu chuẩn AAMI.
Theo ông Quang, kỹ thuật lọc máu và tiêu chuẩn nước RO dùng trong chạy thận nhân tạo đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành bộ văn bản quy định về quy chuẩn.
Ông Quang cho biết, bộ tiêu chuẩn AAMI ra đời từ những năm 70 và liên tục được cập nhật các chỉ số. Tiêu chuẩn này do Hiệp hội trang thiết bị Hoa Kỳ đề ra và được nhiều quốc gia áp dụng, trong đó có Việt Nam.
Về câu hỏi của cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình gửi Bộ Y tế, đề nghị giải đáp việc sau khi sửa chữa, bảo dưỡng máy lọc thận có cần xét nghiệm nước và xem xét có tồn dư hóa chất tẩy rửa hay không? Đại diện Bộ Y tế khẳng định tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn AAMI trên cơ sở tự nguyện.
Theo ông Quang, Bộ Y tế chỉ khuyến cáo xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI (gồm 25 tiêu chí). Nếu hợp đồng giữa các bên có điều khoản xét nghiệm nước thì phải bắt buộc phải thực hiện theo hợp đồng.
Bác sỹ Lương có được giao thêm nhiệm vụ?
Trong phiên tòa sáng 29/5, HĐXX bất ngờ thông báo quay lại phần xét hỏi sau 6 ngày tranh luận khi bác sỹ Hoàng Công Tình (phó khoa hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh Hòa Bình) nộp một vi bằng có nội dung ông Công thừa nhận ghi thêm vào sổ giao ban sau khi xảy ra sự cố y khoa xảy ra.
Trước tòa, bác sỹ Tình khẳng định, phần nội dung ghi thêm nhiệm vụ cho bác sỹ Lương được ghi thêm vào. “Tôi đã khai nhiều lần với cơ quan điều tra rằng hai dòng này không có lúc tôi ký vào sổ giao ban sau cuộc họp”.
Theo ông Tình, việc ghi thêm này được giao cho Điều dưỡng Đinh Tiến Công thực hiện sau khi xảy ra sự cố để hoàn thiện thủ tục hành chính.
Được gọi lên chất vấn ngay sau đó, điều dưỡng viên Công khẳng định có việc phân công cho bác sỹ Lương nhưng không có văn bản. Việc ghi thêm vào sổ giao ban được thực hiện sau chỉ đạo ông Hoàng Đình Khiếu (thời điểm đó là trưởng khoa).
Trong phiên Tòa, ông Hoàng Đình Khiếu (PGĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình) thừa nhận đã giao cho điều dưỡng Công hoàn thiện thủ tục hành chính nhưng phủ nhận việc chỉ đạo ghi thêm nhiệm vụ cho Lương vào sổ giao ban.
Khi được Tòa triệu tập đến tòa sáng 29/5, bà Đinh Thị Tới (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, BVĐK tỉnh Hòa Bình) cho biết: Từ trước đến nay, bệnh viện chỉ giao duy nhất quyết định phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo cho bác sỹ Tiến (đã chuyển công tác từ 2015), không có quyết định giao cho Lương phụ trách đơn nguyên này.
Bà Tới cho biết, việc giao nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên thận cho một người thì phải có quyết định của Giám đốc bệnh viện.
Trong phiên tòa chiều 30/5, khi được nói lời sau cùng khi, cả 3 bị cáo đều gửi lời xin lỗi, chia sẻ chân thành đến gia đình các nạn nhân.
Hoàng Công Lương bày tỏ sự đau đớn vì bản thân đã không cứu chữa được hết các bệnh nhân. Bị cáo tiếp tục khẳng định bản thân không có tội và mong Tòa xem xét vụ án một cách khách quan để đưa ra bản án công tâm, đúng người, đúng tội.
Hai bị cáo Quốc và Sơn cũng xin bày tỏ sự chia sẻ với những mất mát đến gia đình các nạn nhân trong sự cố y khoa và mong HĐXX xem xét để được hưởng mức án thấp nhất.
Bị cáo Sơn đề nghị, để không có những trường hợp như bị cáo hôm nay và sự cố y khoa về sau thì sau vụ án này, cơ quan quản lý nên nghĩ về việc tất cả thiết bị y tế sau sửa chữa đều phải có một đơn vị hoặc ai đó trong phòng Vật tư của Bệnh viện kiểm tra, giám sát và nghiệm thu. "Từ trước đến nay không ai bảo bị cáo phải kiểm tra lại chất lượng trước khi đưa vào sử dụng"./.
Theo Lê Tùng (Vov.vn)