Đại biểu Quốc hội tranh luận nảy lửa vụ bác sĩ Hoàng Công Lương

26/05/2018 09:55:55

Sáng nay (26.5), phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội bất ngờ nóng lên khi một số đại biểu đã có tranh luận về vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương đang được xét xử tại Hòa Bình.

Đại biểu Quốc hội tranh luận nảy lửa vụ bác sĩ Hoàng Công Lương
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, người đầu tiên nhắc tới vụ án bác sĩ Lương trước Quốc hội (ảnh VPQH).

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong bài phát biểu đã dành chút thời gian ngắn để nói về vụ bác sĩ Hoàng Công Lương. Ông nói rất băn khoăn, nếu kết tội bác sĩ Lương sẽ rất ảnh hưởng đến ngành y tế. “Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nói thêm về vấn đề này. Cá nhân tôi nghĩ bác sĩ Hoàng Công Lương có thể vô tội”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói và có thêm đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng bạo hành bác sĩ và nhân viên ngành y tế; bạo lực học đường và ngăn chặn xâm hại tình dục học đường.

Đại biểu Quốc hội tranh luận nảy lửa vụ bác sĩ Hoàng Công Lương - 1
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (ảnh VPQH).

Giơ biển phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã nói: Vụ án đối với bác sĩ Hoàng Công Lương đang được Tòa án nhân dân TP. Hòa Bình xét xử.

Theo ông sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là cần thiết và thể hiện trách nhiệm trước Nhà nước, nhân dân.Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội có đánh giá, kết luận có oan, sai, thậm chí dẫn dắt cho dư luận có tội hay không có tội.

“Việc phát ngôn như vậy trong khi tòa án đang xét xử là cảm tính và không thực sự thích hợp.Bởi, tòa án đang trong quá trình tranh tụng, luận tội chứ chưa đưa ra một phán quyết nào cả, cho nên việc phát ngôn như vậy không đem lại sự thuận lợi, giải quyết đúng đắn về hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tức là nhân danh quyền lực Nhà nước. Thậm chí, định hướng cho dư luận tạo sức ép không cần thiết lên hoạt động đúng đắn của các cơ quan tham gia giải quyết vụ án”, đại biểu Sinh nói.

Vị đại biểu Quốc hội Đoàn Hòa Bình cho biết thêm, Quốc hội ban hành Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự và hệ thống văn bản liên quan rất chặt chẽ để đảm bảo đủ sức bảo vệ đầy đủ quyền con người, công dân theo Hiến pháp, pháp luật.

“Nếu như đại biểu Quốc hội thấy có cơ sở, căn cứ để giúp cho việc các cơ quan bảo vệ pháp luật làm sáng tỏ vụ việc thì pháp luật cũng có quy định để ĐB tham gia giải quyết vụ án một cách chính danh. Chúng tôi mong Quốc hội, đại biểu Quốc hội lưu ý”, đại biểu Sinh nói.

Đại biểu Quốc hội tranh luận nảy lửa vụ bác sĩ Hoàng Công Lương - 2
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (ảnh VPQH).

Không đồng tính với đại biểu Sinh, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) đã có tranh luận. Ông nói: Qua theo dõi chặt chẽ ngay từ đầu, phiên tòa xử vụ bác sĩ Lương với cương vị một GS trong ngành y, ông và các cử tri rất quan tâm đến vụ án.

Theo ông, việc này liên quan đến sự minh bạch, khách quan, công tâm, quy tắc ứng xử về trách nhiệm khi người bác sĩ đó không được giao trách nhiệm. “Chúng ta không thể quy trách nhiệm cho một bác sỹ chỉ biết cứu người và làm đúng chức trách nhiệm vụ của họ và công việc mà họ không được giao, kỹ năng mà họ không được đào tạo về nguồn nước RO trong chạy thận nhân tạo.Tôi mong rằng phiên xử này sẽ mang lại tiếng nói công minh, mang lại lòng tin của các nhân viên y tế, tiếng nói từ lương tri, khách quan để bảo vệ cho công lý và bảo vệ cho các thầy thuốc đang ngày đêm cứu chữa người bệnh cho dù họ còn chưa được bảo vệ", đại biểu Tuấn nêu.

Đại biểu Quốc hội tranh luận nảy lửa vụ bác sĩ Hoàng Công Lương - 3
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (ảnh VPQH).

Đại biểu Phạm Khách Phong Lan (TP.HCM) cũng phát biểu tranh luận, bà nói thống nhất với đai biểu Tuấn.“Ở đây chúng tôi không nói đến chuyện đúng hay sai, nhưng khi chúng tôi trả lời báo chí phát biểu quản điểm của mình là thể hiện đại biểu của nhân dân và ở đây không phải vấn đề định hướng cho Tòa, tất cả sẽ được xử cho pháp luật và được nhìn trong bối cảnh toàn diện. Chúng tôi nghĩ rằng, là tất cả đều là con người, tòa cũng có thể có những sai lầm, hoặc chưa lắng nghe ý kiến của tất cả các bên. Cho nên, thông qua nghị trường Quốc hội, và ý kiến của báo chí, chúng tôi phát biểu và chịu trách nhiệm về phát biểu của mình”, đại biểu Phong Lan nói.

Vị đại biểu này đặt vấn đề: Chúng ta cũng đã có những tiền lệ, chẳng hạn nếu như không có dư luận, nếu không có những phân tích thì vụ án VN pharma (thuốc ung thư giả) có được Tòa án Nhân dân Cấp cao xem lại không, và hiện nay đang tiếp tục trong quá trình tố tụng.

“Chúng tôi khẳng định không có sự định hướng đối với xét xử của Tòa, nếu tòa làm đúng thì vẫn là đúng, Và ở đây, dư luận trong ngành và tất cả những gì chúng ta đang làm sẽ dẫn đến hậu quá rất to lớn trong tâm lý, tâm trạng của tất cả bác sỹ, nhân viên đang làm trong ngành ý tế . Chúng ta muốn làm sao đánh giá đúng người, đúng tội, mong chờ các cơ quan ở Bộ Y tế, Sở ý tế, các ngành các cấp có tiếng nói bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật, bảo vệ cho nhân viên của mình nếu họ làm đúng”, đại biểu Phong Lan nói.

Theo Lương Kết (Dân Việt)